(Lamdongtv.vn) - Dự án tuyến cao tốc Tân Phú – Bảo Lộc dài 67 km với bốn làn xe, dự kiến có tổng nguồn vốn đầu tư khoảng 19 nghìn tỷ đồng sắp khởi công xây dựng, giúp giảm tải Quốc lộ 20 nối liền TP Đà Lạt với TP. Hồ Chí Minh.
Sau loạt bài đề cập về thực trạng giao thông Lâm Đồng, giao thông liên vùng, cũng như tiềm năng, hiệu quả khi phát triển được tuyến cao tốc Dầu Giây - Đà Lạt mang lại. Để hiện thực hóa giấc mơ cao tốc Lâm Đồng, cần phải hội tụ nhiều yếu tố, khi Dự án thành phần cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc được triển khai, không chỉ giúp kết nối giao thông, còn đưa nền kinh tế 2 vùng Đông Nam Bộ và Tây Nguyên phát triển; thúc đẩy tam giác du lịch, trao đổi kinh tế, xã hội với các thành phố lớn như Nha Trang - Đà Lạt - TP Hồ Chí Minh.
Dự án tuyến cao tốc Tân Phú – Bảo Lộc dài 67 km với bốn làn xe, dự kiến có tổng nguồn vốn đầu tư khoảng 19 nghìn tỷ đồng sắp khởi công xây dựng, giúp giảm tải Quốc lộ 20 nối liền TP Đà Lạt với TP. Hồ Chí Minh.
Đối với một đơn vị vận tải có thời gian kinh doanh hơn 40 năm như Hợp tác xã vận tải ô tô số 1, đóng chân trên địa bàn TP Bảo Lộc, từ ban lãnh đạo đến các tài xế, khi tiếp nhận thông tin này, mọi người đều phấn khởi và mong chờ dự án nhanh triển khai. Để hiện thực hóa giấc mơ cao tốc Lâm Đồng, cụ thể trước mắt là tuyến cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc, lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng đã nghiên cứu, chỉ đạo các sở, ngành của tỉnh lập các dự án, phối hợp với các bộ ngành ở TW, các nhà đầu tư, nhà thầu đề xuất Chính phủ xem xét, thông qua báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Tân Phú – Bảo Lộc theo phương thức đối tác công tư (PPP). Đặc biệt, với tỷ lệ đồng thuận rất cao, 100% đại biểu tham dự kỳ họp thứ 18 Hội đồng nhân dân tỉnh khóa IX đã thống nhất biểu quyết thông qua dự thảo nghị quyết về phương án đầu tư dự án đường bộ cao tốc Tân Phú (tỉnh Đồng Nai) - Bảo Lộc (tỉnh Lâm Đồng) theo phương thức đối tác công tư.
Dự án đưa vào hoạt động sẽ từng bước hoàn thành hệ thống đường bộ cao tốc Dầu Giây - Đà Lạt theo quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, góp phần đảm bảo an ninh quốc phòng của các tỉnh thuộc khu vực Tây Nguyên. Song song đó, kết nối hiệu quả hệ thống giao thông khu vực các tỉnh: Lâm Đồng, Đồng Nai, Bình Thuận, kết nối Quốc lộ 20, Quốc lộ 55, đường tỉnh ĐT.725 với tuyến cao tốc; qua đó, thu hút đầu tư, giảm tải cho Quốc lộ 20, góp phần quan trọng cho sự phát triển kinh tế - xã hội huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai và các huyện: Đạ Huoai, Đạ Tẻh, Bảo Lâm và thành phố Bảo Lộc thuộc tỉnh Lâm Đồng nói riêng và các tỉnh Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, Duyên hải Nam Trung Bộ nói chung.
Lâm Đồng với thế mạnh về sản xuất nông nghiệp, phát triển mạnh ngành du lịch, dịch vụ; với hệ thống giao thông hiện có, chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của tỉnh nhà. Chính vì thế, khi hoàn thành tuyến cao tốc Tân Phú – Bảo Lộc nói riêng, Dầu Giây – Đà Lạt nói chung, ngoài việc thúc đẩy kinh tế, văn hóa – xã hội phát triển, còn có ý nghĩa rất quan trọng trong việc đảm bảo an ninh, quốc phòng của Lâm Đồng và các tỉnh lân cận. Đây là dự án được rất nhiều người dân trông đợi đi vào hoạt động bởi sự tiện ích của nó. Tuyến cao tốc này có thể rút ngắn một cách đáng kể thời gian đi lại khi di chuyển đến Đà Lạt.
Với quyết tâm lớn cùng nhiều giải pháp quyết liệt của các bộ, ngành, cùng tỉnh Lâm Đồng đang triển khai, thực hiện; không chỉ hiện thực hóa ước mơ cao tốc của người dân, vừa giảm tải cho Quốc lộ 20, đồng thời kết nối hoàn chỉnh, đồng bộ với hệ thống mạng lưới đường cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây; rút ngắn thời gian di chuyển từ Đà Lạt đi TP Hồ Chí Minh cũng chỉ mất 3 giờ đồng hồ, giảm một nửa thời gian so với di chuyển trên Quốc lộ 20 như hiện nay, góp phần thúc đẩy tỉnh Lâm Đồng ngày một phát triển toàn diện, trở thành một tiểu vùng kinh tế trọng điểm trong khu vực./.
Thế Hạnh