(Lamdongtv.vn) - Nhà thờ Ka Đơn, huyện Đơn Dương được kiến trúc độc đáo, mang dáng dấp văn hóa Tây Nguyên; còn lưu giữ nhiều hiện vật, gắn với đời sống vật chất và tinh thần của các dân tộc anh em như Churu, K' Ho,..
Với hàng ngàn hiện vật, giúp người tham quan có một cái nhìn tổng thể về quá trình hình thành, phát triển, cũng như nét đẹp văn hóa của các dân tộc này; đồng thời, cũng giúp thế hệ trẻ hiểu thêm về truyền thống của dân tộc mình, qua đó khơi dậy niềm tự hào Dân tộc, chung tay gìn giữ và phát huy.
Trong một buổi sáng đầu xuân mới 2022, mọi cảnh vật thiên nhiên tại giáo xứ Ka Đơn như được khoác lên mình tấm áo mới. Mùi hương dịu nhẹ của các loài hoa và cây cỏ, phảng phất lẫn vào các hiện vật đang được lưu giữ tại đây. Trong không gian thoáng đạt chừng 200 m2, phân thành nhiều gian, được sắp đặt khá cầu kỳ, công phu, trưng bày nhiều bộ sưu tập hiện vật mang đậm những nét đẹp văn hóa của Dân tộc Churu và Kơ Ho.
Linh mục Trần Quốc Hưng Long – Giáo xứ Ka Đơn – Huyện Đơn Dương: “Từ những năm 1990, các linh mục tiền nhiệm giáo xứ Ka Đơn cất công tìm kiếm và bảo tồn, bây giờ chúng tôi duy trì những công việc đó và phát triển thêm về những giá trị văn hóa bản địa,…để thế hệ trẻ hiểu thêm về đời sống văn hóa tinh thần của dân tộc mình…gìn giữ, phát huy”
Thông qua hàng nghìn hiện vật, người tham quan hình dung được quá trình phát triển chân thực, sống động về lao động, sản xuất, đời sống văn hóa, tinh thần và các nghi lễ truyền thống của các dân tộc bản địa nơi đây; như trồng lúa rẫy, canh tác các loại hoa màu, săn bắt; cũng những nghề thủ công bổ trợ như dệt vải, đan lát, làm gốm và rèn công cụ; các nhạc cụ như cồng chiêng, đàn đá, khèn, vv cùng các hiện vật trong các nghi lễ nông nghiệp, nghi lễ đời người, vv.
Chị Chu Lê Ma Triều – Xã Ka Đơn – Huyện Đơn Dương: “Khi vào đây thì em biết được nhiều thứ về đời sống vật chất và văn hóa của cha ông mình. Em cũng mọi người cần phải gìn giữ, phát huy ”
Chị Ma Đông – Huyện Đơn Dương: “Khi vào đây, chúng tôi thấy rất nhiều hiện vật….Tôi sẽ nói người thân, cũng nhưng gia đình vào tham quan nơi đây để thêm về văn hóa của các dân tộc bản địa”
Không chỉ khách thập phương tham quan, sau thời gian học tập, các em học sinh trên địa bàn xã Ka Đơn nói riêng, huyện Đơn Dương nói chung thường xuyên ghé thăm nơi đây. Các em được trải nghiệm qua thực tế bao điều bổ ích. Những kiến thức trực quan này, bồi bổ cho các em học sinh hiểu thêm về đời sống vật chất, văn hóa tinh thần của các Dân tộc anh em bên dòng Đạ Nhim, từ đó nỗ lực vươn lên trong học tập.
Cô giáo Đặng Thị Công – Trường Tiểu học Ka Đơn 2 – Huyện Đơn Dương: “Được tham quan, các em rất thích thú, vì các em học sinh phần lớn là con em vùng DTTS nên hiểu thêm về văn hóa của cha ông mình,… gắn liền với đời sống hàng ngày…giúp các em phát triển toàn diện”
Ông Nguyễn Văn Vinh – Giám đốc Trung tâm Văn hoá, Thông tin và Thể thao huyện Đơn Dương: “Chúng tôi hết sức ghi nhận công lao của các linh mục qua các thế hệ đã dày công lưu giữ các giá trị văn hóa bản địa….Đây có thể nói như là bảo tàng mini giúp các thế hệ sau hiểu biết về đời sống văn hóa của cha ông mình….Từ đó, có ý thức bảo tồn và phát huy”
Mùa xuân mới đang về, mỗi một hiện vật được trưng bày tại đây thêm một tuổi mới, mang trong mình sắc thái riêng, ẩn chứa bao giá trị văn hóa, cũng chính là những minh chứng lịch sử sống động về sự hình thành, phát triển của mảnh đất và con người nơi đây. Những việc làm đầy trách nhiệm và đáng trân trọng của giáo xứ Ka Đơn, nhằm góp phần, chung tay lưu truyền cho thế hệ mai sau về bức tranh văn hóa của các dân tộc anh em thêm đa hương, nhiều sắc, trên vùng đất Nam Tây Nguyên hùng vỹ./.
Thế Hạnh