(Lamdongtv.vn) - Lâm Đồng là khu vực trồng khoai tây chủ lực của miền Nam. Để phát triển kinh tế từ loại cây trồng thế mạnh này, ND địa phương đã tăng cường ứng dụng quy trình canh tác mới vào sản xuất
Tuy nhiên, khoai tây là loại cây trồng được canh tác chủ yếu ngoài trời, nên loại cây trồng này rất dễ bị các loại sâu, dịch, bệnh gây hại – nhất là trong những thời điểm mưa nhiều, độ ẩm trong đất và trong không khí tương đối cao như hiện nay.
THỰC TRẠNG VÀ GIẢI PHÁP TRIỂN KHAI
Bình quân mỗi năm, tỉnh Lâm Đồng canh tác từ 1.200 đến 1.700 ha khoai tây, với năng suất trung bình đạt từ 21-25 tấn/ha, sản lượng từ 30.000-34.000 tấn. Những địa bàn trồng khoai tây chủ lực là thành phố Dalat và các huyện: Đơn Dương, Đức Trọng, Lạc Dương… Khác với nhiều địa phương trong cả nước, Lâm Đồng được trồng khoai tây gần như quanh năm. Bên cạnh việc đưa vào sử dụng các giống khoai tây mới, thì nhiều kỹ thuật canh tác nông nghiệp CNC cũng được áp dụng rộng rãi.
Nhiều tuần gần đây, thời tiết nắng mưa xen kẽ đã làm ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển của cây khoai tây tại các nông hộ. Phổ biến hiện nay là bệnh mốc sương, ghẻ củ, thối củ, v.v. Tùy vào mức độ gây hại cây trồng mà những đối tượng nói trên đã làm cho nhiều diện tích khoai tây ở LĐ thời điểm này bị mất năng suất, phẩm chất nông sản giảm…
Cây khoai tây thích hợp trồng trên các loại đất tơi xốp, đất cát pha, đất thịt nhẹ, đất phù sa thoát nước và giữ ẩm tốt. Bên cạnh việc chuẩn bị nguồn giống đảm bảo, bà con cần cung cấp một lượng dưỡng chất đảm bảo để cây khoai tây sinh trưởng. Trong quá trình sản xuất, bà con cần thường xuyên kiểm tra đồng ruộng và áp dụng các biện pháp chăm sóc, quản lý sâu, dịch, bệnh hại tổng hợp như: sử dụng giống kháng bệnh, thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học; kỹ thuật làm đất, bón phân phải đảm bảo; luân xen canh cây trồng hợp lý, vệ sinh đồng ruộng… Giải pháp nói trên góp phần rất lớn hạn chế tình trạng lãng phí phân, thuốc mà cây trồng vẫn phát triển đảm bảo, đem lại năng suất cao.
Thực hiện: Anh Vũ