Tin tức

Chú trọng xử lý chất thải sản xuất cà phê đúng quy định

Chủ nhật, 13/04/2025 - 07:54

(Lamdongtv.vn) - Tại thành phố Đà Lạt, Trung tâm khuyến nông Quốc gia tổ chức hội thảo đánh giá kết quả triển khai dự án Xây dựng đối thoại chính sách, nâng cao nhận thức về sử dụng vật tư nông nghiệp có trách nhiệm, thu gom và xử lý chất thải trong sản xuất cà phê tại Tây Nguyên

Tham dự có đại diện ngành nông nghiệp, các nông dân, doanh nghiệp trồng cà phê các tỉnh Tây Nguyên, các chuyên gia, các nhà khoa học trong và ngoài nước.
 

 
Dự án “Xây dựng đối thoại chính sách, nâng cao năng lực và nhận thức về sử dụng vật tư nông nghiệp có trách nhiệm, thu gom và xử lý chất thải trong sản xuất cà phê tại Tây Nguyên được triển khai từ đầu tháng 5.2024 đến nay.  Dự án đã tổ chức 12 lớp tập huấn cho 360 học viên bao gồm cán bộ khuyến nông, khuyến nông cộng đồng, thành viên HTX, người sản xuất cà phê tại 4 tỉnh (Đắk Lắk, Lâm Đồng, Gia Lai, Kon Tum) về công tác quản lý cỏ dại, vệ sinh an toàn lao động, quản lý và thu gom rác thải trong sản xuất cà phê. Từ đó, nâng cao nhận thức của cán bộ khuyến nông, thành viên tổ khuyến nông cộng đồng và người sản xuất cà phê về tầm quan trọng và lợi ích của việc sử dụng vật tư nông nghiệp có trách nhiệm, an toàn và hiệu quả. Qua khảo sát  tại Tây Nguyên cho thấy, lượng thuốc trừ sâu được sử dụng trung bình là 5 lít/ha cà phê. Mỗi năm có hơn 2 ngàn tấn vỏ bao bì thuốc BVTV phát sinh trong sản xuất cà phê. Dự án đã vận động đã thu gom được gần 413 tấn bao gói thuốc BVTV sau sử dụng; đã xử lý hơn 216 tấn theo phương pháp đốt đúng quy định; hơn 35 tấn tự xử lý theo phương pháp đốt và chôn lấp tại bãi rác của địa phương; 16 tấn chưa được xử lý tiêu hủy.  Tại Lâm Đồng, lượng thuốc BVTV sử dụng trung bình 3,8 kg, lít/ha/năm. Hàng năm lượng bao gói được thu gom và xử lý đúng quy định đạt 9,5 tấn (chiếm 28,6%). Ngoài ra, phụ phẩm từ canh tác cà phê được người dân sử dụng ủ với chế phẩm vi sinh làm phân bón hữu cơ, còn lại 12% tương đương 89 ngàn tấn thân cành, lá  cà phê bỏ trực tiếp tại vườn.

Qua phân tích các kết quả đạt được của dự án, hội thảo lần này cũng đã đưa ra các kiến nghị các giải pháp cụ thể như: cần ban hành các chính sách hỗ trợ cụ thể cho việc sử dụng vật tư nông nghiệp; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra; giám sát việc buôn bán và sử dụng thuốc BVTV, đặc biệt là thuốc cấm. Hỗ trợ xây dựng và nhân rộng các mô hình thu gom và xử lý chất thải trong sản xuất cà phê. Khuyến khích và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tham gia vào chuỗi giá trị cà phê bền vững. Đẩy mạnh thực hiện các đề tài, dự án nghiên cứu, chuyển giao công nghệ xử lý, tái chế phụ phẩm từ sản xuất cà phê. Đồng thời cần  hỗ trợ nông dân tiếp cận các giải pháp sử dụng vật tư nông nghiệp đầu vào, an toàn và hiệu quả, đầu tư vào công nghệ và giải pháp xử lý chất thải trong sản xuất và chế biến cà phê.
Mai An

Thích và chia sẻ bài viết qua

Nhập bình luận của bạn:

Ý kiến bạn đọc (0)

Quảng cáo trang chủ, cột giữa Quảng cáo trang nội dung, cột giữa OK TT