(Lamdongtv.vn) - Như Đài Phát thanh và Truyền hình Lâm Đồng đã phản ánh, thời gian gần đây xuất hiện tình trạng con tằm bị nhiễm bệnh, mặt khác, một số lứa tằm đến ngày lên né nhưng không nhả kén khiến nông dân lo lắng vì thất thu. Vậy đâu là nguyên nhân và giải pháp cho thực trạng này

Gia đình ông Bùi Xuân Tuyên – Xã Tân Hà, huyện Lâm Hà trồng dâu, nuôi tằm nhiều năm nay. Nghề này đã giúp gia đình ông có thu nhập cao, ổn định nhưng những lứa tằm gần đây mắc nhiều loại bệnh như tằm kẹ, tằm tiêu chảy, tằm bủng. Điều đáng buồn hơn là có những lứa, nhìn bề ngoài con tằm hoàn toàn khỏe mạnh nhưng đến ngày nuôi thứ 10 đã cho lên né vẫn không quấn kén. Thực trạng này xẩy ra tại một số xã của huyện Lâm Hà, huyện Bảo Lâm, huyện Đức Trọng và Tp Bảo Lộc khiến nông dân hết sức lo lắng.
Còn bà Trần Thị Hải ở thôn 2, xã Gia Lâm, huyện Lâm Hà cũng đang rất buồn lòng vì đây là lứa nuôi tằm thứ 3 liên tục bà phải mang toàn bộ tằm đi đổ bỏ vì tằm không kéo kén. Dù đó là lứa tằm mà ông bà đã dồn toàn bộ công sức, tâm huyết và hi vọng không như 2 lứa trước. Những con tằm trông hoàn toàn khỏe mạnh, song đến ngày thứ 10 vẫn hề không chín, không làm kén. Về thu nhập, trung bình mỗi hộp tằm, gia đình ông bà thiệt hại lên đến hơn chục triệu đồng. Đó là chưa kể tiền giống tằm con, công sức chăn trong nửa tháng, chi phí chăm sóc vườn dâu,… Đáng lo ngại hơn, là tình trạng này diễn ra liên tục từ sau Tết nguyên đán Ất Tỵ đến nay mà nhiều nông hộ cùng chung tình cảnh như bà Hải.
Trước thực trạng trên, ngành chức năng Lâm Đồng phối hợp các địa phương kiểm tra thực tế, làm việc với các hộ trồng dâu nuôi tằm, cơ sở nuôi tằm con, qua đó, bước đầu nhận định nguyên nhân gây bệnh trên tằm là do tại một số vùng trồng dâu môi trường bị ô nhiễm do tiếp giáp các vùng cây trồng có sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hoặc nông dân sử dụng các loại thuốc phòng trừ sâu bệnh hại dâu không đảm bảo thời gian cách ly. Trường hợp ngộ độc nặng, tằm biểu hiện các triệu trứng bên ngoài rõ rệt, có thể gây chết tằm; trường hợp ngộ độc nhẹ, tằm không có biểu hiện bên ngoài nhưng không quấn kén. Ngoài ra, các bệnh trên tằm như tằm kẹ, tằm bủng mủ, tiêu chảy phần lớn do vi rút, vi khuẩn. Mặt khác, hiện một số hộ nuôi tằm chưa đảm bảo kỹ thuật nuôi tằm gồm độ thông thoáng, ẩm độ, nhiệt độ, lá dâu không đảm bảo chất lượng, sử dụng các loại thuốc cho tằm không rõ nguồn gốc, xuất xứ cũng là tác nhân làm cho tằm dễ nhiễm bệnh. Một số lứa tằm, có thể một phần nguyên nhân do ảnh hưởng từ chất lượng trứng giống không ổn định đã ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất tằm.
Ngoài ra, Ngành chức năng Lâm Đồng cũng khuyến cáo nông dân đầu tư thâm canh nâng cao sản lượng và chất lượng lá dâu; quản lý việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật phòng trừ sâu bệnh hại dâu tằm; Sử dụng giống tằm con của các cơ sở cung ứng tằm con có uy tín, đảm bảo chất lượng con giống; quy mô, số lứa tằm nuôi phù hợp với diện tích; nhà nuôi tằm thông thoáng, nhiệt, ẩm độ phù hợp. Mặt khác, tăng cường quản lý nhà nước trong công tác nhập khẩu trứng giống tằm và cung ứng giống tằm con phục vụ sản xuất đảm bảo đúng quy định; triển khai đánh giá thực nghiệm sản xuất với các giống tằm lưỡng hệ đã được công nhận để thu hút doanh nghiệp đầu tư, chủ động phát triển sản xuất trứng giống tằm, hạn chế phụ thuộc vào nguồn trứng tằm nhập khẩu./.

Mai An