Cuối năm thường cao điểm sản xuất nên doanh nghiệp thường phải tuyển dụng thêm hàng trăm lao động thời vụ. Trái ngược hẳn với năm nay, khi đối diện tình trạng đơn hàng sụt giảm mạnh, thu hẹp sản xuất, nhiều doanh nghiệp buộc phải cắt giảm hàng nghìn công nhân, lao động
Trong bối cảnh đó, vẫn có những doanh nghiệp nỗ lực xoay sở bằng nhiều cách, để duy trì việc làm cho người lao động ngay trước tết Nguyên đán.
Nếu như nửa đầu năm 2022, doanh nghiệp này tăng trưởng 30% so với cùng kỳ, thì ở nửa cuối năm, đơn hàng đã giảm đến 50% vì thị trường nhập khẩu khó khăn. Để đảm bảo hoạt động và giữ việc cho hơn 1.500 công nhân, Doanh nghiệp buộc phải thay đổi, tìm kiếm đơn hàng từ các thị trường ngách như Hàn Quốc, Nhật Bản, Đông Nam Á…thay vì Châu Âu. Đồng thời đa dạng hóa sản phẩm theo yêu cầu thị trường.
Rất nhiều doanh nghiệp tại TPHCM đối mặt với tình trạng đơn hàng giảm mạnh, dẫn đến thu hẹp sản xuất, giảm giờ làm, giãn việc… nhưng vẫn giữ ổn định lực lượng lao động. Không chỉ khai thác triệt để các thị trường ngách, mà các doanh nghiệp cũng tìm cơ hội ngắn hạn ở thị trường nội địa, dù gặp không ít khó khăn về cách tiếp thị, phân phối.
Từ đầu năm đến nay, TPHCM có 27 doanh nghiệp cắt giảm lao động, khiến gần 3.000 công nhân thất nghiệp ngay thời điểm cuối năm, dẫn đến nhiều lo ngại về an sinh xã hội. Sở Lao động Thương binh và Xã hội TP. Hồ Chí Minh cũng vừa đề xuất UBND TP lập tổ liên ngành kiểm tra tình hình thực hiện pháp luật lao động, quan hệ lao động nhằm hạn chế các nguy cơ bất ổn có khả năng xảy ra trong dịp cuối năm.
Dù rất nỗ lực, nhưng với những khó khăn hiện nay, nhiều doanh nghiệp sẽ khó tiếp tục cầm cự. Vì vậy, doanh nghiệp rất cần sự hỗ trợ, như hỗ trợ bảo hiểm thất nghiệp khi người lao động đang đứng trước ngưỡng cửa mất việc, giảm tiền điện nước, mặt bằng, thuê đất…để doanh nghiệp hỗ trợ chéo cho người lao động, vừa giúp doanh nghiệp tăng cường khả năng chống chịu trước khó khăn vừa giải quyết sinh kế, thu nhập cho người lao động./.
Phòng Thời sự
Đài PTTH Lâm Đồng