Tin tức

Giá trị các nhãn hiệu: Đà Lạt – Kết tinh kỳ diệu từ đất lành

Thứ năm, 01/12/2022 - 06:50

(Lamdongtv.vn) - Đà Lạt – Kết tinh kì diệu từ đất lành, lúa gạo Cát Tiên, tơ lụa Bảo Lộc, Gạo nếp Quýt Đạ Tẻh, sầu riêng Đạ Huoai….vv đã trở thành thương hiệu quen thuộc với người tiêu dùng trong cả nước

Từ các sản phẩm nông nghiệp đơn thuần, sau khi được cấp văn bằng bảo hộ độc quyền, các nhãn hiệu gắn với lợi thế của từng địa phương đã tìm thấy được vị trí riêng của mình trong dòng chảy của thị trường.
 

 
 Nhãn hiệu chứng nhận “Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành” được Cục Sở hữu trí tuệ  - Bộ khoa học công nghệ cấp văn bằng bảo hộ vào cuối năm 2017 là nhãn hiệu dùng chung cho 4 sản phẩm: Rau, hoa, cà phê arabica và du lịch canh nông. Đến nay, UBND TP Đà Lạt đã cấp quyền sử dụng nhãn hiệu cho 768 tổ chức, cá nhân, trong đó 653 tổ chức, cá nhân sản xuất và kinh doanh hoa; 91 tổ chức, cá nhân sản xuất và kinh doanh rau, 10 cơ sở du lịch canh nông và 14 cơ sở kinh doanh cà phê. Sản phẩm khi được gắn nhãn hiệu là minh chứng cho chất lượng và uy tín.
 

 
Từ một sản phẩm chỉ được sử dụng trong phạm vị địa phương, lúa gạo Cát Tiên hay lúa Nếp quýt Đạ Tẻh đã ghi tên mình vào bản đồ gạo Việt Nam, từ những vùng sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, các cánh đồng mẫu lớn sản xuất lúa chất lượng cao dần hình thành, các cơ sở xay sát, chế biến cũng ngày càng phát triển. Theo thống kê của UBND huyện Cát Tiên, hiện nay, sản lượng lúa giống đã liên kết tiêu thụ cho các công ty giống đạt 2.000 tấn, tăng giá trị từ 10 - 15%; lúa giống đóng bao bì mang nhãn hiệu “Lúa - Gạo Cát Tiên” ước đạt gần 700 tấn, tăng giá trị từ 20 - 25%. Đặc biệt, sản lượng gạo đóng bao bì mang nhãn hiệu tập thể “Lúa - Gạo Cát Tiên” là 22.265 tấn, tăng giá trị từ 10 - 30%. Những con số tăng trưởng cho thấy sức vươn từ một nhãn hiệu tập thể, góp sức đổi thay cững như tăng thu nhập cho người nông dân nơi đây.
 
Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận rằng, công tác quản lý và phát triển các nhãn hiệu đã được xác lập quyền sở hữu vẫn còn hạn chế nhất định. Như việc cấp quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể cho các tổ chức, cá nhân còn ít. Và sau khi các nhãn hiệu chứng nhận đã đăng kí nhưng chưa phát huy được lợi thế như kì vọng, chính vì thế mà hiện nay các địa phương đang chú trọng, quan tâm nhiều hơn đến việc chọn lọc các sản phẩm cụ thể, có thế mạnh để xây dựng thương hiệu, tránh xây dựng thương hiệu một cách ồ ạt, thiếu chọn lọc. Ngành chức năng cũng tăng cường khảo sát, đánh giá tiềm năng của mỗi sản phẩm trước khi tiến hành nộp hồ sơ đăng kí bảo hộ nhãn hiệu nông sản một cách nghiêm ngặt hơn.

 
Đăng kí cấp nhãn hiệu chứng nhận đã khó, thì việc giữ gìn và phát huy thế mạnh nhãn hiệu lại càng khó hơn. Điều này đòi hỏi chính các chủ nhãn hiệu, các tổ chức, cá nhân được cấp quyền phải tuân thủ nghiêm túc các quy định về uy tín sản phẩm mình làm ra để tạo lòng tin đối với người tiêu dùng. Từ đó nhãn hiệu nông sản và các dịch vụ ngành nghề của địa phương mới có thể vươn cao, bay xa hơn đúng như kì vọng./.
 
Mai An

Thích và chia sẻ bài viết qua

Nhập bình luận của bạn:

Ý kiến bạn đọc (0)

TT OK Quảng cáo trang nội dung, cột giữa