Tin tức

Gìn giữ giá trị văn hóa của đồng bào DTTS Lâm Đồng

Thứ hai, 12/12/2022 - 10:21

(Lamdongtv.vn) - Sau hơn 15 năm di sản văn hóa cồng chiêng được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, các tỉnh Tây Nguyên đang hướng việc bảo tồn Không gian văn hóa cồng chiêng bằng nhiều cách thức khác nhau mà trong đó có phục dựng các lễ hội của đồng bào dân tộc thiểu số

Qua những nghi lễ được phục dựng đã thể hiện rõ nét bản sắc văn hóa truyền thống độc đáo, đặc sắc của dân tộc bản địa. 
 

 
Trong tiết trời se lạnh của phố núi Cao Nguyên như bừng sáng bởi sắc muôn vàng loài hoa khoe sắc thắm để chào đón Festival hoa năm 2022. Hòa trong không gian rộn ràng ấy còn phải kể đến chương trình phục dựng nghi lễ mừng lúa mới của đồng bào dân tộc K’ho ở huyện Di Linh do chính những già làng, trưởng bản và người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số thực hiện, qua đó nhằm giáo dục và truyền lại cho thế hệ trẻ gìn giữ, bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dân tộc. Lễ hội mừng lúa mới được hiểu đơn giản là sau 1 năm làm việc cực nhọc, khi vụ mùa đã thu hoạch xong, lúa chất đầy kho, các buôn làng người K’Ho với những chàng trai, cô gái lại nhảy múa, ca hát quanh cây nêu cùng tiếng chiêng, tiếng cồng trong lễ hội mừng lúa mới diễn ra vào tháng 10 âm lịch nhằm tạ ơn các thần linh, Yàng đã phù hộ cho buôn làng có mùa bộ thu.
 

 
Còn đây là phục dựng lễ cưới của đồng bào dân tộc K'Ho cũng do chính già làng, người có uy tín trong vùng đồng bào và cộng đồng người K’Ho ở thôn Đưng K Si – Xã Đạ Chais - Huyện Lạc Dương; đội cồng chiêng Trường Trung học phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh Lâm Đồng thực hiện . Lễ cưới người K’Ho theo chế độ mẫu hệ, sơn nữ “bắt chồng”, đàn ông thường sống bên nhà vợ. Khi cô gái thích chàng trai nào đó thì chủ động nói với gia đình và nhờ người cậu đến nhà trai ngỏ ý. Hôn lễ của người K’Ho được tiến hành qua hai giai đoạn là lễ hỏi và lễ cưới. Lễ hỏi diễn ra ở nhà trai và thường tổ chức vào ban đêm vì nhà gái muốn tránh bị dân làng để ý nếu việc “bắt chồng” không thành. Lễ vật trong đám hỏi gồm 2 vòng đồng, gà, rượu cần, gạo nếp… Phục dựng lễ cưới của dân tộc K’Ho  hay còn gọi là lễ Tơm Bau, là sự kiện quan trọng bậc nhất trong cuộc đời con người qua 3 bước quan trọng là dạm ngõ sau đó chọn ngày lành tháng tốt xin cưới – nghi lễ diễn ra ở nhà trai và cuối cùng là đám cưới diễn ra tại nhà gái. Người K’Ho đã tái hiện nghi lễ ném ruột gà. Đây có thể coi là việc quan trọng nhất trong đám cưới để công nhận đôi trẻ đã chính thức thành vợ thành chồng. Từ nay họ sẽ được tự do đi lại giữa hai bên gia đình.
 
Việc giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc địa phương đã và đang được các cấp, ngành đầu tư phục dựng nhiều nghi lễ, lễ hội truyền thống của dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng nhằm lưu giữ các giá trị văn hóa bản địa không để mai một trong thời kỳ hội nhập.
Việc tái hiện lại các nghi lễ trong vùng đồng bào dân tộc sẽ lưu giữ những tập tục, nghi lễ lâu đời, nay đang dần mai một và có nguy cơ thất truyền; đồng thời còn là phương thức khai thác các giá trị văn hóa phi vật thể để tạo nên sản phẩm du lịch mới nằm trong chiến lược phát triển các chương trình “Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc bản địa, khôi phục và phát triển các làng nghề truyền thống gắn với hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng” mà ngành văn hóa thể thao – du lịch tỉnh đang triển khai thực hiện.
 

 
Bích Thảo
 

Thích và chia sẻ bài viết qua

Nhập bình luận của bạn:

Ý kiến bạn đọc (0)

Quảng cáo trang nội dung, cột giữa Quảng cáo trang chủ, cột giữa OK TT