Tin tức

Chính Phủ tổng kết công tác năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023

Thứ hai, 02/01/2023 - 23:32

(Lamdongtv.vn) - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì Hội nghị Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác năm 2022 và triển khai Kết luận của Trung ương, Nghị quyết của Quốc hội khoá XV về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng dự Hội nghị tại điểm cầu trụ sở Chính phủ. Tại đầu cầu tỉnh Lâm Đồng, ông Trần Đức Quận, UVTWĐ, Bí Thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh; ông Trần Văn Hiệp, Phó Bi thư  Tỉnh Uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh; ông Võ Ngọc Hiệp, UVBTV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch UBMTTQVN tỉnh; ông Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; các ông, bà trong ban thường vụ và lãnh đạo các sở, ngành, địa phương cùng dự hội nghị. 
 
      Tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ năm 2022, tình hình thế giới biến động nhanh chóng, phức tạp, khó lường, nhiều vấn đề chưa có tiền lệ, khó khăn hơn so với dự báo. Có thể nói, năm 2022 nền kinh tế chịu tác động tiêu cực kép cả từ bên ngoài và bên trong đến cùng một thời điểm. Trong bối cảnh đó, Chính phủ và nhân dân đã đoàn kết, trên dưới đồng lòng  với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, vượt qua khó khăn, thách thức, hoàn thành các nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó. Bám sát Nghị quyết Đại hội XIII, Kết luận của Trung ương, các Nghị quyết của Quốc hội; dưới sự lãnh đạo trực tiếp, thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chính phủ đã cùng các cấp, các ngành, các địa phương triển khai quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đề ra trên tất cả các lĩnh vực, đồng thời góp phần xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng XHCN độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, toàn diện, thực chất, hiệu quả.

 
Tiếp tục triển khai hiệu quả chiến lược vaccine, chúng ta đã kiểm soát được đại dịch COVID-19 và từ giữa tháng 3/2022 đã mở cửa toàn bộ nền kinh tế với tinh thần phục hồi nhanh và phát triển bền vững. Tập trung rà soát, hoàn thiện thể chế, pháp luật; tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo, tham vấn ý kiến, kiểm tra thực tiễn, đánh giá tình hình, phát hiện, giải quyết những hạn chế, bất cập. Đổi mới cách làm, không dàn trải, xác định trình tự ưu tiên, tập trung giải quyết những vấn đề trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt việc đó; thành lập các ban chỉ đạo, tổ công tác để đôn đốc, kiểm tra, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc từ thực tiễn, tại các địa phương và tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. 
 

 
    Nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương; sự ủng hộ, tham gia tích cực của nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp và sự quan tâm giúp đỡ của bạn bè quốc tế, tình hình KT-XH đất nước phục hồi tích cực và đạt những kết quả quan trọng, khá toàn diện trên nhiều lĩnh vực; đạt được mục tiêu tổng quát; đạt và vượt 13 chỉ tiêu, xấp xỉ đạt 1 chỉ tiêu và chưa đạt 1 chỉ tiêu trong số 15 chỉ tiêu kế hoạch chủ yếu do Trung ương, Quốc hội giao; có nhiều điểm sáng đáng mừng về quy mô GDP, thu nhập bình quân đầu người, kim ngạch xuất, nhập khẩu; xuất khẩu nông sản; thu ngân sách nhà nước; vốn FDI thực hiện; số doanh nghiệp thành lập mới. Tình hình kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì ổn định; lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng bình quân cả năm tăng 3,15%; tăng trưởng GDP đạt 8,02%; các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm. Thu NSNN vượt 26,4% dự toán, tăng 13,8% so với năm 2021; tỉ lệ bội chi NSNN/GDPgiảm. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu đạt 732,5 tỷ USD; trong đó xuất khẩu tăng 10,6%; xuất siêu năm thứ 7 liên tiếp, đạt 11,2 tỷ USD. Tổng vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội tăng 11,2%, trong đó, vốn FDI thực hiện  tăng 13,5%, cao nhất trong 5 năm qua. Khu vực nông nghiệp tiếp tục phát triển ổn định…

 
Từ thực tiễn công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành, Thủ tướng nhấn mạnh,  năm 2023 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm bản lề thực hiện Kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm 2021-2025. Thực hiện Kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị và Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ tập trung chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương nỗ lực, quyết tâm cao nhất để thực hiện Kế hoạch phát triển KTXH năm 2023 với phương châm: "Đoàn kết, kỷ cương; bản lĩnh, linh hoạt; chủ động, sáng tạo; kịp thời, hiệu quả". Tinh thần đã nói là làm; đã cam kết là phải thực hiện; đã làm, đã thực hiện là phải có hiệu quả, sản phẩm lượng hoá được cụ thể, rõ ràng, cân đong, đo, đếm được. Tranh thủ thời cơ, vận hội, "biến nguy thành cơ"; vừa tập trung xử lý hiệu quả các nhiệm vụ thường xuyên ngày càng nhiều, đòi hỏi ngày càng cao; vừa giải quyết những vấn đề khó khăn, bất cập, tồn đọng kéo dài; vừa kịp thời ứng phó những vấn đề mới phát sinh, đồng thời tạo nền tảng mang tính căn cơ, lâu dài cho phát triển bền vững.
 
Tại hội nghị, các bộ, ngành địa phương đã tham luận về kết quả thực hiện kinh tế- xã hội tại địa phương cũng như các quyết sách của Chính phủ trong năm vừa qua, đồng thời nêu các đề xuất kiến nghị với Chính phủ trong việc phát triển kinh tế- xã hội của cả nước năm 2023. Phát biểu tại hội nghị ông Trần Văn Hiệp - Phó bí thư Tỉnh Uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết  tỉnh Lâm Đồng năm qua đã đạt được nhiều kết quả khích lệ, trong đó có 13/15 chỉ tiêu kinh tế- xã hội đạt và vượt kế hoạch, trong đó tăng trưởng kinh tế đạt hơn 8,2%, tăng trưởng GDP đạt gần 13% và đứng thứ 9 trong cả nước. Với những kết quả này sẽ là đòn bẩy cho kinh tế- xã hội Lâm Đồng phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới. Để  đạt được kết quả khả quan hơn nữa, tỉnh Lâm Đồng đề xuất với Chính Phủ một số vấn đề như: Chính Phủ tạo điều kiện cho tỉnh Lâm Đồng nâng cấp sân bay Liên Khương theo tiêu chuẩn từ 4D lên 4E và thường xuyên quan tâm, hỗ trợ, giúp đỡ tỉnh Lâm Đồng hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế xã hội trong năm 2023.

 
Dự hội nghị, Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng đã biểu dương những kết quả đã đạt được trong năm 2022. Đồng chí nhấn mạnh: Năm 2022 Chính phủ đã cơ bản đạt được những kết quả đã đặt ra, nhờ sự quyết tâm cao và sự nỗ lực phấn đấu đóng góp to lớn bền bỉ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, chúng ta đã thực hiện thắng lợi khá toàn diện mục tiêu nhiệm vụ là vừa tập trung phòng chống kiểm soát dịch bệnh, vừa thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế xã hội, xây dưng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với tự chủ động tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng và hiệu quả và Việt Nam là điểm sáng trong bức tranh sáng màu của kinh tế toàn cầu. Quốc phòng - an ninh tiếp tục được củng cố tăng cường, nâng cao vị thế quốc gia. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị tiếp tục được đẩy mạnh, tăng cường, kế thừa và phát huy tốt những kết quả, bài học kinh nghiệm đã đạt được trong thời gian qua. Công tác phòng chống tham nhũng tiêu cực tiếp tục được triển khai quyết liệt, đồng bộ, toàn diện, bài bản, đi vào chiều sâu, không có vùng cấm, không có ngoại lệ đã tạo ra sức răn đe cảnh tỉnh rất lớn. Mặc dù đạt được nhưng kết qủa tốt, nhưng Tổng Bí thư cũng đề nghị toàn Đảng, toàn dân tuyệt đối không chủ quan, thoả mãn với những kết quả thành tích đã đạt được mà cần rút ra những bài học kinh nghiệm để vận dụng vào năm 2023. Bởi đất nước ta vẫn đang phải đối mặt với nhưng khó khăn thách thức lớn, đặc biệt là những khó khăn thách thức gay gắt mới xuất hiện như thị trường tài chính tiền tệ, nhất là thị trường bất động sản, chứng khoán trái phiếu doanh nghiệp diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều rủi ro; thanh khoản của một số ngân hàng thương mại yếu kém, doanh nghiệp, dự án lớn gặp không ít khó khăn; lãi suất ngân hàng tăng cao, sức ép lạm phát còn lớn, hoạt động sản xuất kinh doanh ở 1 số doanh nghiệp, ngành, lĩnh vực có xu hướng suy giảm, nhiều doanh nghiệp phải giảm nhân công, giảm giờ làm, cho người lao động nghỉ việc, đời sống của người lao động còn gặp nhiều khó khăn…   
 
Thùy Dương

Thích và chia sẻ bài viết qua

Nhập bình luận của bạn:

Ý kiến bạn đọc (0)

Quảng cáo trang nội dung, cột giữa Quảng cáo trang chủ, cột giữa OK TT