Tin tức

Ninh Thuận: Những người trẻ tuổi giữ gìn nghề gốm truyền thống

Thứ sáu, 24/02/2023 - 08:02

Người Chăm theo chế độ mẫu hệ, vì thế, việc làm gốm và giữ gìn nghệ thuật làm gốm của người Chăm ở Ninh Thuận cũng tuân thủ quy tắc “mẹ truyền con gái nối"

Thế nhưng, những năm gần đây, khi sản phẩm gốm Chăm chuyển sang làm mỹ nghệ thì đã có những người trẻ trong đó, có cả nam giới cùng tham gia làm gốm bằng những cách làm mới và đầy sáng tạo, qua đó góp phần không nhỏ trong việc gìn giữ nghệ thuật làm gốm độc đáo của người Chăm.
 

 
            Anh Đàng Năng Tự là con trai của nghệ nhân Đàng Thị Phan - một trong những nghệ nhân đã đem nghề gốm của người Chăm đến với nhiều quốc gia trên thế giới. Hơn 2 năm trước, nghệ nhân Đàng Thị Phan qua đời. Nhưng nghề làm gốm vẫn được nuôi dưỡng khi con trai của bà là anh Đàng Năng Tự tiếp nối nghề làm gốm của bà. Các sản phẩm mà Đàng Năng Tự làm ra đều là những sản phẩm gốm mỹ nghệ, mang đậm bản sắc văn hóa Chăm. Theo anh Tự, việc quảng bá sản phẩm và bán sản phẩm của mình cũng khác so với cách làm truyền thống của gia đình. Đó là bán hàng qua mạng.
 

 
Không chỉ Đàng Năng Tự mà tại làng Bàu Trúc đã hình thành một lớp thanh niên bắt đầu đam mê nghề gốm theo một hướng đi riêng, chế tác những bức tượng, những bức phù điêu đậm chất văn hóa Chăm. Tạo màu, tạo hình, cho gốm bằng những cách làm mới, những ý tưởng mới… Đã có thêm những mẫu gốm mới ra đời, lạ mắt nhưng vẫn không mất đi chất riêng vốn có của nghệ thuật làm gốm Chăm…
 


 
Những gia đình làm gốm vẫn tìm mọi cách để giữ nghề, trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Gốm Chăm được giới trẻ trân trọng và kế thừa. Hơn thế nữa, giới trẻ không ngừng sáng tạo cách làm mới, sản phẩm làm ra vừa phục vụ cho đời sống hàng ngày vừa mang tính nghệ thuật, nâng cao giá trị và nghệ thuật của gốm Chăm.
Vẫn còn không ít khó khăn để bảo tồn và phát triển nghề làm gốm truyền thống… nhưng với sự đam mê nghề làm gốm của lớp thanh niên làng Chăm Bàu Trúc hôm nay đang mang lại nhiều tín hiệu vui cho phát triển nghề làm gốm truyền thống Chăm.
 

 
Trong nỗ lực biến nghệ thuật, văn hóa trở thành tài sản, chính những người trẻ tuổi với niềm đam mê gốm truyền thống là hạt nhân quảng bá, giới thiệu với du khách trong và ngoài nước về nghệ thuật làm gốm truyền thống, đồng thời không ngừng sáng tạo ra những sản phẩm mới lạ, độc đáo, đáp ứng nhu cầu của du khách. Tâm huyết của các nghệ nhân cùng với khả năng tự làm mới của những người trẻ và sự hỗ trợ, giúp sức của Nhà nước chính là cách để các sản phẩm gốm và nghệ thuật làm gốm của người Chăm vươn xa và sống mãi với thời gian./.  
Phòng Thời sự
Đài PTTH Lâm Đồng

Thích và chia sẻ bài viết qua

Nhập bình luận của bạn:

Ý kiến bạn đọc (0)

Quảng cáo trang nội dung, cột giữa Quảng cáo trang chủ, cột giữa