Tin tức

Vĩnh Phúc : Bánh chim gâu - biểu tượng tình yêu của người Cao Lan

Thứ sáu, 12/01/2024 - 05:41

Nơi đây còn lưu giữ những phong tục tập quán, lễ hội đặc sắc và nhất là các món ăn đặc trưng, độc đáo của dân tộc Cao Lan. Trong đó, có bánh Chim Gâu – một biểu tượng của tình mẫu tử thiêng liêng của người Cao Lan.

 Điểm đến tiếp theo hôm nay chúng tôi muốn giới thiệu với quí vị chính là huyện Sông Lô (tỉnh Vĩnh Phúc). Nằm cách Hà Nội gần 92km với thời gian di chuyển khoảng 2 tiếng, nơi đây không chỉ nổi tiếng là một vùng đất xinh đẹp với nhiều danh lam thắng cảnh và di tích lịch sử như: Tháp Bình Sơn, thiền viện Trúc lâm Tuệ Đức,… mà còn lưu giữ những phong tục tập quán, lễ hội đặc sắc và nhất là các món ăn đặc trưng, độc đáo của dân tộc Cao Lan. Trong đó, có bánh Chim Gâu – một biểu tượng của tình mẫu tử thiêng liêng của người Cao Lan.
 
 
 
Dân tộc Cao Lan còn được biết đến với tên gọi Sán Chay. Như nhiều dân tộc khác của Việt Nam người Cao Lan cũng có những món ăn đặc sắc mang dấu ấn văn hóa của người dân nơi này. khi  nhắc đến ẩm thực Cao Lan, người ta sẽ nghĩ đến những món ăn như cá nướng sấy khô, thịt nai tái, thịt lợn ướp chua, vịt bầu nấu măng chua… và nhiều món bánh hấp dẫn như bánh vắt vai, bánh gai và đặc biệt là bánh chim gâu. Để làm được những chiếc bánh Chim Gâu thì người Cao Lan phải lên rừng để tìm những chiếc lá dứa rừng. Bởi với họ lá dứa rừng là một vị thuốc chữa được bệnh dạ dày, do đó gói bánh bằng lá dứa rừng vừa tạo vị thơm ngon cho bánh, vừa chữa được bệnh
Ngoài lá dứa rừng, thành phần chính để làm bánh chim gâu là gạo nếp nương. Gạo nếp đã chọn lọc đem vo sạch, để ráo nước rồi trộn thêm ít muối cho đậm đà. Sau đó, dưới đôi bàn tay khéo léo của các bà, các chị thì mỗi chiếc lá dứa rừng sẽ được uốn, đan thành hình con chim cu gáy và nhồi gạo nếp vào trong đó và đem đi luộc. Đây cũng là khâu quan trọng nhất quyết định đến độ đẹp và ngon của bánh

Để có một nồi bánh ngon thì trong suốt quá trình nấu, lửa phải đều và châm nước thường xuyên để giữ chiếc bánh được ngập trong nước. Bánh sẽ chín sau khoảng 1 giờ nấu, sau đó vớt ra, để cho ráo nước và cắt đôi bánh ra để thưởng thức. Ngày nay, người ta còn dùng thêm nhân đậu xanh và thịt để tạo độ thơm, vị ngậy cho bánh. Những chiếc bánh với hình dáng nhỏ xinh,  kết tinh từ những nguyên liệu giản đơn nhưng lại ẩn chưa thông điệp thiêng liêng…

Không còn là món ăn dân dã chống đói hằng ngày mà giờ đây bánh chim gâu đã trở thành đặc sản không thể thiếu trong ngày lễ, tết của bà con dân tộc nơi đây và được mang đi giới thiệu ở nhiều lễ hội ẩm thực trong và ngoài tỉnh. Với người Cao Lan, gìn giữ món bánh này chính là gìn giữ nét đẹp văn hóa  của dân tộc mình và những nét chấm phá đặc biệt cho bức tranh văn hóa đa dạng đầy sắc màu của Việt Nam./.
 
Phòng Thời sự
 

Thích và chia sẻ bài viết qua

Nhập bình luận của bạn:

Ý kiến bạn đọc (0)

Quảng cáo trang nội dung, cột giữa OK