Quần thể Di tích Cố đô Huế được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới vào năm 1993. Từ đó đến nay, dưới sự hỗ trợ của UNESCO về tài chính, kỹ thuật cũng như vận động quốc tế tài trợ, các di tích đã được trùng tu và phục dựng.
Cùng với đó, tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng nỗ lực bảo tồn và phát huy giá trị những di sản này. Một trong những nỗ lực ấy là xây dựng môi trường du lịch xanh, bền vững tại quần thể di tích.
Mới đây, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã khai trương tuyến du lịch xanh, đưa vào sử dụng các phương tiện thân thiện với môi trường, phục vụ du khách tham quan khu vực lăng vua Gia Long. Với cảnh quan sinh thái và giá trị di sản đặc sắc, nơi đây được đánh giá thích hợp để hướng tới xây dựng điểm đến di sản xanh theo định hướng phát triển của tỉnh Thừa Thiên - Huế.
Thời gian qua, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cũng đã vận hành các trạm tiếp nước sạch ở một số điểm tham quan thuộc di sản Huế như lăng Gia Long, lăng Minh Mạng và lăng Đồng Khánh. Nhờ đó, đã giúp giảm đáng kể lượng vỏ chai, rác thải nhựa, tạo dấu ấn đẹp trong lòng du khách.
Sắp tới, ngành du lịch Cố đô Huế sẽ tiếp tục xây dựng thêm một số tuyến, tour gắn với du lịch xanh, đặc biệt ở khu vực di sản để thành phố Huế xứng đáng với giải thưởng “thành phố du lịch sạch ASEAN” vừa được công bố vào tháng 1/2024 tại Lào.
UNESCO đánh giá Thừa Thiên- Huế là địa phương đi đầu về bảo tồn di sản ở Việt Nam. Ngành du lịch Cố đô đang phát triển theo hướng xanh, bền vững dựa trên những giá trị văn hoá, di sản. Và do đó, chỉ với một hành động xanh của du khách, giá trị của du lịch và di sản địa phương sẽ được nâng tầm thêm nữa.
Phòng Thời sự