Lamdongtv.vn - Di sản văn hóa là tài sản quý của cộng đồng các dân tộc thiểu số, giữ gìn di sản văn hóa cũng là giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Những năm qua, ngoài việc khôi phục, bảo tồn, lưu giữ các giá trị truyền thống của các dân tộc bản địa
Tỉnh Lâm Đồng đã rất thành công khi đưa các giá trị văn hóa bản địa, bản sắc của đồng bào dân tộc thiểu số vào khai thác phục vụ du lịch, tạo nên những dấu ấn du lịch hết sức độc đáo. Tuy nhiên để việc bảo tồn văn hóa truyền thống thực sự phát triển bền vững thì hơn hết cần có những chiến lược, kế hoạch, lộ trình cụ thể, nhất là phải gắn với phát triển du lịch cộng đồng để tạo ra các giá trị bền vững.
Năm 2005, văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên của Việt Nam đã được Unesco chính thức công nhận là kiệt tác văn hóa phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại. Nằm trải dài trên các tỉnh như Kon Tum, Gia Lai, Đắk lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng, chủ nhân của loại hình văn hóa đặc sắc này là các đồng bào dân tộc bản địa Tây Nguyên như Banna, Gia Rai, Ê đê, Xê Đăng, M’ Nông, Coho. Gắn bó mật thiết với cuộc sống của người Tây Nguyên, là tiếng nói của tâm linh, tâm hồn con người, diễn tả tâm tư, tình cảm trong cuộc sống, lao động, sinh hoạt hàng ngày, từ bao đời nay, di sản văn hóa cồng chiêng đã được giữ gìn, bảo tồn và tiếp nối qua nhiều thế hệ.
Theo thời gian, loại hình này đang được phát huy khá hiệu quả, song trên thực tế để những di sản văn hóa tồn tại bền vững, việc giữ gìn, bảo tồn cần phải có những định hướng, lộ trình, kế hoạch cụ thể, rõ ràng, bài bản, đặc biệt là phải gắn bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa với khai thác phát triển du lịch để tạo thêm nguồn lực duy trì, vừa bảo đảm cuộc sống của những người vẫn đang từng ngày lưu giữ các giá trị đặc biệt này.Nghệ nhân K’ Tiếu, Xã Đinh Lạc, huyện Di Linh nói:
Để giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc mình, hơn 2 năm qua, nghệ nhân Cil Nếu, ở xã Đạ Tông, huyện Đam Rông đã đứng ra tuyên truyền, vận động bà con đồng bào dân tộc M’Nông thành lập câu lạc bộ cồng chiêng tại xã Đạ Tông. Ban đầu câu lạc bộ chỉ có một nhóm người tham gia, dần về sau thành viên ngày càng đông, có những thời điểm 60-70 người ở các nhóm tuổi tham gia luyện tập.
Không chỉ duy trì bản sắc văn hóa dân tộc, phục vụ cho những lễ hội, sự kiện quan trọng của bản làng, mục tiêu hướng đến của câu lạc bộ cồng chiêng này còn gắn với khai thác, phát triển phục vụ du lịch cộng đồng để có thêm nguồn lực hoạt động, vừa nâng cao đời sống, thu nhập cho các thành viên.
Thực tiễn khẳng định, trước đây, sản văn hóa cồng chiêng có mặt ở hầu hết trong các nghi lễ của cá nhân, gia đình, dòng họ và cộng đồng người Cơ ho, Chu ru, M’Nông, Mạ và các dân tộc bản địa khác. Hầu hết các thành viên trong gia đình ai cũng có thể tham gia được. Tuy nhiên hiện nay cồng chiêng đã không còn gắn bó nhiều với sinh hoạt cộng đồng, sinh hoạt gia đình cũng như các nghi lễ của đồng bào dân tộc. Không chỉ suy giảm về số lượng các nghi lễ truyền thồng này mà hiện các nghệ nhân đánh chiên cũng ít hơn, người trẻ cũng ít quan tâm hơn. Ngoài ra, do sự biến động về cư trú và sự phát triển nhanh chóng của quá trình công nghiệp hóa cũng như quan điểm tư tưởng về những cái cũ, cái truyền thống dần lạc hậu cần được xóa bỏ nên đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc khôi phục, duy trì, bảo tồn các giá trị văn hóa dân tộc.
Nhằm lưu giữ, bảo tồn các giá trị văn hóa của các dân tộc, thời gian qua, ngoài việc thường xuyên tổ chức tập huấn, tổ chức các hội thảo khoa học chuyên sâu, Ngành chức năng tỉnh Lâm Đồng còn lồng ghép vào các đề án bảo tồn, lưu giữ, phát huy các giá trị cộng đồng các dân tộc, phục vụ trong các lễ hội, nghi lễ truyền thống, làng nghề, qua đó phát huy thế mạnh để khai thác phát triển du lịch cộng đồng, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số. Đặc biệt hơn, năm 2023,tỉnh đã phê duyệt đề án bảo tồn và phát huy di sản văn hóa cồng chiêng, giai đoạn 2023-2026, tầm nhìn đến năm 20235, với mục tiêu tiếp tục giữ gìn, bảo tồn, khai thác và phát huy có hiệu quả di sản văn hóa cồng chiêng trong đời sống cộng đồng các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh, giữ vững danh hiệu “ Kiệt tác truyền khẩu và Di sản văn hóa phi vật thể thế giới”, và Di sản văn hóa phi vật thể.
Cùng với đó, địa phương còn bố trí nguồn vốn các chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới để thực hiện hỗ trợ phát triển duy trì các phong tục, làng nghề truyền thống, mục tiêu đến năm 2025 tỉnh Lâm Đồng phấn đấu sẽ có từ 1-2 điểm du lịch cộng đồng được công nhận gắn với lợi thế về nông nghiệp, văn hóa, phong tục làng nghề và môi trường sinh thái và 1 mô hình “Nông thôn năng động – Cộng đồng sáng tạo – Di sản gắn kết”.
Di sản văn hóa có vai trò quan trọng đối với sự phát triển của xã hội. Không chỉ ăn sâu vào tiềm thức các thế hệ đồng bào dân tộc, những nghi lễ, nét sinh hoạt, làng nghề truyền thống đã trở thành biểu tượng của sức mạnh, ý chí, niềm tin và tinh thần đoàn kết cộng đồng dân tộc.
Giờ đây, những ngườ con vùng đồng bào Tây Nguyên họ đang tích cực duy trì, giữ gìn, để từng ngày những giá trị đó mãi mãi trường tồn theo thời gian, đồng thời gắn việc lưu giữ, bảo tồn, duy trì, vừa khai thác các giá trị văn hóa phục vụ nhu cầu thưởng thức văn hóa của người dân và du khách, từng bước nâng cao thu nhập, bảo đảm cuộc sống, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội của địa phương./.