Tin tức

Vũ điệu Tắc Xình của người Sán Chay

Thứ tư, 06/03/2024 - 05:42

Khi hoa đào, hoa mơ, hoa mận nở khắp đất trời, khi lòng người phơi phới Xuân sang, những ngày đầu năm mới khắp các bản làng đều rộn rã tươi vui mùa lễ hội. Về với núi rừng Việt Bắc trong tiết Xuân sang, du khách sẽ được đắm mình trong không gian văn hóa của người Mông, người Dao, người Tày

… trong đó có 1 vũ điệu vui tươi, ấm áp của người Sán Chay khiến lòng người mê đắm - vũ điệu Tắc xình. Đây là vũ điệu dân gian có sức hấp dẫn không chỉ với đồng bào mà còn thu hút sự quan tâm của nhiều dân tộc anh em khác sinh sống trên vùng cao phía Bắc.




Lễ cầu mùa của người Sán Chay thường được tổ chức vào dịp trước hoặc sau Tết Nguyên đán. Vào ngày diễn ra nghi thức cầu mùa, người dân trong làng cùng nhau chuẩn bị lễ vật xin trời đất, thần linh, tổ tiên ban phúc cho mưa thuận gió hòa, muôn loài được sinh sôi nảy nở, làng xóm bình yên, nhà nhà mạnh khỏe, mùa màng tươi tốt, mọi người có cuộc sống no đủ. Với vốn văn nghệ dân gian khá phong phú và đa dạng, nét văn hóa độc đáo, đặc sắc của người Sán Chay thể hiện sinh động trong lễ hội cầu mùa. Trong lễ hội không thể thiếu vũ điệu Tắc Xình. Điệu múa đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và là di sản văn hóa phi vật thể thứ 2 của người Sán Chay. 
Sau phần lễ cầu mùa, phần hội vui tươi với điệu múa tắc xình rộn ràng náo nức. Vũ điệu tuy đơn giản nhưng khỏe mạnh, dứt khoát dưới sự dẫn dắt, giữ nhịp của tiếng nhạc phát ra từ giàn nhạc cụ thô sơ, dân dã, trở nên vô cũng hấp dẫn với người xem.
 Múa Tắc Xình thể hiện ước nguyện về một năm mới tiết trời thuận lợi, muôn loài sinh sôi, lúa ngô được mùa, bản làng bình yên, hạnh phúc. Đồng thời điệu múa dân gian thể hiện đạo lý tưởng nhớ tổ tiên, là cầu nối tâm linh giữa đất trời và lòng người, cõi sống và cõi chết, thế hệ trước và thế hệ sau, thắp lên niềm tin, khát vọng chinh phục thiên nhiên của người dân lao động.  
Theo các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, múa Tắc Xình có chín điệu cơ bản. Âm nhạc trong điệu múa có tiết tấu đơn giản, nguyên sơ, không pha tạp các tiết tấu âm nhạc hiện đại. Chỉ với tiếng nhạc “tắc, xình” phát ra từ những nhạc cụ thô sơ từ tre, nứa...và những động tác múa mô tả động tác đánh mài dao, phát nương, dọn rẫy, tra mố, hái lượm... Nhạc cụ sử dụng trong vũ điệu dân gian gồm trống, kèn và gõ những ống nứa to nhỏ, dài ngắn khác nhau tạo ra những âm thanh lúc khoan lúc nhặt giữ nhịp cho điệu nhảy.
Tắc Xình là điệu múa đơn giản, dễ thực hành, người học dễ nhớ, có tính cộng đồng cao. Khi múa đem lại sự vui nhộn, ấm áp khiến tình nghĩa bản làng thêm gắn bó hơn. Múa Tắc Xình là một đặc trưng văn hóa của người Sán Chay, không chỉ có giá trị lịch sử, văn hóa mà còn có giá trị cung cấp cho các nhà khoa học nhiều tư liệu quý trong nghiên cứu và góp phần tạo nên sự đa dạng văn hoá trong bức tranh văn hoá của cộng đồng các dân tộc Việt Nam.
 
phòng Thời sự
 

Thích và chia sẻ bài viết qua

Nhập bình luận của bạn:

Ý kiến bạn đọc (0)

Quảng cáo trang nội dung, cột giữa OK