Có một con số đáng chú ý được một nhà nghiên cứu chỉ ra như sau: Việt Nam có khoảng 100 triệu dân, cứ quy ra một cách tương đối thì sẽ có khoảng 20 triệu hộ gia đình. Mỗi hộ gia đình mỗi năm chỉ cần đốt khoảng 200 ngàn đồng tiền vàng mã thì với 20 triệu hộ, có khoảng 4.000 tỷ đồng bị đốt…
Con số này phần nào nói lên việc lãng phí tiền bạc khi đốt vàng mã. Ngoài ra còn tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ và ô nhiễm môi trường. Việc đốt vàng mã hoàn toàn có thể thay đổi được, bắt đầu từ nhận thức.
Nằm yên bình tại xã ngoại thành huyện Thanh Oai, Hà Nội...Ngay khi bước chân vào chùa Khê Tang, xã Cự Khê, người dân đã nhìn thấy tấm biển quy định không mang vàng mã đặt ngay ngắn. Kể từ khi về trụ trì, ni sư Thích Đàm Dung đã dành nhiều thời gian để tuyên truyền, giảng giải cho người dân trong làng về tác hại của việc đốt vàng mã bởi hành vi này không có trong những điều Phật dạy.
Thay vì cúng dâng sao giải hạn đầu năm có kèm theo đốt vàng mã, hình nhân thế mạng, từ nhiều năm nay, nhà chùa chỉ làm lễ cầu bình an cho các gia đình với nghi lễ tiết kiệm. Có dịp đến chùa Khê Tang đúng dịp mùng 1 âm lịch, ai cũng cảm nhận rõ không khí trang nghiêm, thanh tịnh, an yên.
Thay đổi nhận thức từ việc không đốt vàng mã trong chùa, đến nay trong mỗi gia đình, người dân trong làng Khê Tang cũng không còn cúng vàng mã trên ban thờ ông bà, tổ tiên. Đặc biệt, quy định không cúng, đốt vàng mã cũng đã được đưa vào quy ước trong mỗi dòng họ. Như tại họ Nguyễn Hữu, nhờ sự tuyên truyền của Ni sư trụ trì chùa Khê Tang, gần 10 năm nay trong dòng họ đã nghiêm túc thực hiện việc nói không đốt vàng mã. Thói quen này được con cháu trong gia đình ủng hộ bởi sự tiết kiệm và văn minh, đồng thời cũng lan tỏa đến những người đang sinh sống xa quê.
Phòng Thời sư