Lamdongtv.vn - Cũng như nhiều loại hình nghệ thuật diễn xướng dân gian khác, đã có những lúc cồng chiêng Tây Nguyên đứng trước nguy cơ mai một. Sau khi UNESCO công nhận không gian cồng chiêng Tây Nguyên là Di sản văn hóa phi vật thể
và truyền khẩu của nhân loại, loại hình nghệ thuật này đã được quan tâm bảo tồn và phát huy các giá trị, trong đó có công lao của những nghệ nhân, những CLB cồng chiêng trên vùng đất Cao nguyên.
Chị Ka Hem, dân tộc K’Ho, ở thôn Đồng Đò, xã Tân Nghĩa, huyện Di Linh là người luôn nặng lòng, trăn trở với cồng chiêng, góp phần để âm thanh và những vũ khúc của đại ngàn không bị lãng quên.
Mỗi khi chiều tối buông xuống trên thôn nhỏ, nếu có dịp ghé qua, du khách sẽ bất ngờ khi từ xa vẳng đã lên lời hát dịu êm xen lẫn tiếng chiêng ngân đầy cuốn hút. Bên ngoài hội trường thôn, bà con kéo tới cổ vũ đông vui, nhiều người nhịp nhịp bước chân như muốn hòa cùng vũ điệu xoang giàu ngôn ngữ của cuộc sống thường nhật.
Ka Hem chia sẻ: Sinh ra và lớn lên trên quê hương Di Linh, từ thuở bé, những điệu múa, lời ca, những bài cồng chiêng đã ngấm sâu vào tâm hồn Ka Hem. Với Ka Hem, đánh cồng chiêng, múa xoang là một nhu cầu như cơm ăn nước uống, là cái gì đó hẳn nhiên như máu nóng chảy dưới da mềm. Với ước ao gìn giữ hồn dân tộc, Ka Hem đến từng nhà, thuyết phục người thân trong gia đình tạo điều kiện cho con em đi học các lớp cồng chiêng, múa xoang.
Sau đó nhờ già làng, cán bộ thôn lên tiếng khuyên bảo, động viên. Từ các lớp học ở CLB, sự huấn luyện tại nhà của già làng cùng các nghệ nhân dày dặn kinh nghiệm, nhiều nam, nữ thanh niên thôn Đồng Đò và vùng lân cận đã đánh chiêng thành thạo; một số người còn biết đánh đàn, thổi kèn môi, kèn sừng trâu, múa xoang, hát đối đáp.
Các thành viên trong CLB tập luyện nhuần nhuyễn những bài đã học, dàn dựng các tiết mục hấp dẫn với động tác sáng tạo, ngày càng có sức thu hút.
Là người trẻ, và cũng là Bí thư Chi đoàn nên Ka Hem thể hiện rõ tinh thần năng động, nhiệt huyết, thường xuyên kết nối đưa các thành viên đi trình diễn cồng chiêng, biểu diễn ở các điểm du lịch, homestay phục vụ du khách trong và ngoài nước. Vừa thể hiện những bài chiêng cùng các điệu múa xoang, các thành viên câu lạc bộ còn giới thiệu về phong tục, tập quán của người K’Ho tới du khách. Do tìm hiểu, tập luyện thường xuyên nên
Câu lạc bộ Cồng chiêng Đồng Đò đã dần tạo được tiếng vang. Ðến giờ, Ka Hem cũng chẳng nhớ mình đã đi bao nơi, đã tấu lên bao nhiêu giai điệu nguyên sơ của đại ngàn Tây Nguyên cùng những điệu xoang hút hồn người xem.
Những ngày không đi biểu diễn, khoảng sân trước nhà văn hóa thôn Đồng Đò không biết từ bao giờ đã hóa thành sân khấu biểu diễn cồng chiêng, múa xoang, đốt lửa trại…, do đích thân Ka Hem và các thành viên trong đội biểu diễn. Ðoàn nghệ thuật "cây nhà lá vườn này do chị quy tụ cũng trở thành một hạt nhân lưu giữ thứ văn hóa phi vật thể đặc biệt của Tây Nguyên, thường xuyên góp mặt trong các lễ hội văn hóa truyền thống các dân tộc.
Với tình yêu và trách nhiệm của người trẻ, Ka Hem đã và đang tiếp tục nuôi dưỡng, phát huy, gìn giữ nét đẹp văn hóa có giá trị này tại chính quê hương mình.
Với những đóng góp của mình cho nét văn hóa dân tộc. Mới đây, Ka Hem vinh dự là một trong 93 gương sáng đời thường vừa được Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Lâm Đồng tôn vinh.
Có thể nói, tuy chưa thành bài bản nhưng tình yêu với văn hóa dân tộc mình cũng đủ níu giữ, gột nên một cô gái ưu tú của núi rừng Tây Nguyên hôm nay... Dường như, khi đã hòa mình vào không gian đắm say và linh thiêng của cồng chiêng, thì cũng là lúc Ka Hem tự tin nhất. Bản sắc ấy, niềm tin ấy, ở đâu và thời đại nào cũng luôn là một giá trị kiêu hãnh./.
Anh Khoa - TRUNG TÂM VHTT-TT DI LINH