Tin tức

Điểm đến rộn ràng nhịp chiêng tre

Thứ hai, 17/06/2024 - 06:40

Với đồng bào Ê đê, một trong những ngôn ngữ để giao tiếp với tổ tiên, thần linh của đại ngàn là tiếng cồng chiêng. Trước khi có chiêng đồng, chiêng tre còn gọi là “ching kram” là món quà mà núi rừng Tây Nguyên ban tặng cho họ. Tại buôn Kbu (xã Hòa Khánh), TP Buôn Ma Thuột, từ năm 2020 đến nay một đội chiêng nữ đã được tập hợp để luyện tập, gìn giữ và mang những thanh âm mộc mạc của buôn làng Ê đê vang xa….

 
 
Chiêng tre có một vị trí đặc biệt trong đời sống văn hóa của cộng đồng Ê Đê bởi sự đơn giản trong diễn tấu và vật liệu dễ kiếm tìm.

Đây là một sáng tạo nghệ thuật trong kho tàng nhạc cụ của người Ê Đê, dùng để diễn tấu trong nghi lễ truyền thống của buôn làng.Đội chiêng nữ độc đáo và duy nhất của người dân tộc Ê đê Bih ở Tây Nguyên có độ tuổi từ 15 đến 33 tuổi. Dù hôm nay không có thầy giáo, nhưng các em vẫn tâm huyết và say mê ôn luyện, chỉ dạy và chỉnh cho nhau từng nốt nhạc.

Chiêng tre (còn gọi ching kram) là một sản phẩm âm nhạc độc đáo của dân tộc Ê Đê. Bộ chiêng tre thường có 5, 7, 9 chiếc hợp lại hoặc có khi 19 chiếc.Khi diễn tấu, người đánh kẹp ống tre vào 2 mặt đùi, đặt thanh tre già nằm ngay phía trên miệng ống, một đầu kê trên đùi một đầu đỡ bằng lòng bàn tay trái. Tay phải cầm khúc cây làm dùi gõ vào giữa thanh tre.

Tùy theo độ lệch của âm cao hay thấp mà miệng ống tre được cắt ngắn hay gọt bớt đi. Mỗi chiếc ching kram có âm sắc, giai điệu với cung bậc riêng, khi tất cả cùng vang lên sẽ tạo nên một dàn hợp xướng.



 Vì vui và thích, nên nhiều năm qua, thông qua các câu lạc bộ, đội, nhóm và sinh hoạt cộng đồng, đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột đã giữ gìn truyền thống văn hóa dân tộc của mình.

Ngày nay, những lễ hội không còn được nhiều như trước, nhưng tiếng chiêng vẫn có dịp được vang lên nhờ các hoạt động tập luyện, biểu diễn, giao lưu của thế hệ trẻ.

Với tâm huyết của cộng đồng người dân, đặc biệt là các bạn trẻ và sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, chắc chắn những nét đẹp văn hóa truyền thống các dân tộc sẽ tiếp tục phát huy các giá trị, làm phong phú thêm các hoạt động văn hóa, du lịch tại các buôn làng Tây Nguyên./.

PHÒNG THỜI SỰ

Thích và chia sẻ bài viết qua

Nhập bình luận của bạn:

Ý kiến bạn đọc (0)

TT OK Quảng cáo trang nội dung, cột giữa