Tin tức

K’Điệp – Người “thổi lửa” của tình yêu di sản, văn hóa K’ho.

Thứ năm, 04/07/2024 - 06:12

Lamdongtv,vn- Với các tộc người bản địa Tây Nguyên, trong đó có người K’ho, bếp lửa trong mỗi mái nhà sàn hay cây nêu giữa sân buôn làng, hoặc những bài đồng dao, những điệu múa cồng chiêng… đã trở thành một biểu tượng của sự sống, lay thức mỗi trái tim về nguồn cội và tình cảm gắn kết cộng đồng.

Gìn giữ sức sống lâu bền ấy chính là các nghệ nhân và những người dân bình dị ở các thôn, làng. Ông K’Điệp, ở thôn 4, xã Tam Bố, huyện Di Linh là một trong những người như thế, Người đàn ông K’Ho này chưa bao giờ nguôi niềm khắc khoải với văn hóa tộc người.
 
 

Sinh ra và lớn lên tại xã Tam Bố, huyện Di Linh, tuổi thơ của ông K’Điệp gắn liền với tiếng ru à ơi của mẹ, với những đêm lễ hội ngân nga tiếng cồng chiêng…Ngọn lửa tình yêu với văn hóa dân tộc gắn liền với ông từ những ngày đó.

Năm 1980, K’Điệp làm phóng viên tại Đài Phát thanh Truyền hình Lâm Đồng. Đây là điều kiện thuận lợi để K’Điệp đi nhiều vùng miền, buôn làng, được tiếp xúc nhiều người, nhất là bà con đồng bào các dân tộc thiểu số trong tỉnh.

Ngoài làm chuyên môn, K’Điệp dành thời gian tìm hiểu về đời sống sinh hoạt, văn hóa và tín ngưỡng của dân tộc K’Ho. Sau hàng chục năm rong ruổi các buôn làng người Cơ Ho, tìm hiểu, gom nhặt, ghi chép, tổng hợp một cách cẩn thận có chọn lọc, đến nay, ông đã sưu tầm được 27 bài là các làn điệu dân ca như hát Yal yau, hát Dam klềr, hát Reng, hát Ơ mờl lơi, hát Bê bêl và các bài ca dao, tục ngữ khác đậm chất văn hóa Cơ Ho.
 
Từ năm 2010, được mời tham gia biên soạn cuốn tài liệu “Dạy và học tiếng Cơ Ho”, ông K’Điệp đã dốc hết vốn liếng ngôn ngữ mà ông bà cho, những tinh túy mà ông tích lũy được với mong muốn gìn giữ và phát triển ngôn ngữ của dân tộc mình. Với sự chung tay của ông và những người tâm huyết, cuốn tài liệu đã được đưa vào giảng dạy; giúp nhiều cán bộ, công chức và nhiều người trẻ tiếp cận với ngôn ngữ của một tộc người có tỷ lệ dân số đông ở tỉnh Lâm Đồng.

Cũng chính bởi tấm lòng đau đáu với bản sắc của dân tộc mình, ông đặc biệt sốt sắng khi được mời làm giảng viên dạy tiếng K’ho tại Trung tâm giáo dục thường xuyên của huyện.

Không chỉ là nghệ nhân văn hóa, ông K’Điệp còn là Người có uy tín trong cộng đồng. Ông thường xuyên tiếp xúc với người dân để nắm bắt tâm tự nguyện vọng của bà con; tuyên truyền, vận động, thuyết phục bà con thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tham gia hiến đất, hiến rẫy mở đường giao thông nông thôn.

Bên cạnh đó, ông K’Điệp còn cùng các nghệ nhân trong buôn làng ở xã Tam Bố, hướng dẫn và dạy cho các bạn trẻ cách đánh cồng chiêng.Vì tiếng cồng, tiếng chiêng như là máu thịt, gắn liền với đời sống sinh hoạt lẫn tâm linh của đồng bào K’Ho. Nói về trách nhiệm bồi dưỡng, hướng dẫn, đào tạo cho lớp trẻ, để văn hóa người K’Ho mãi tồn tại.
 
 Với những người đang miệt mài giữ hồn dân tộc như ông K’Điệp, họ không đơn thuần chỉ đang sống với niềm đam mê của mình. Hơn tất thảy, những khoắc khoải, suy nghĩ, hành động của họ đã, đang lan tỏa niềm tự hào, trách nhiệm cho lớp hậu thế về việc phục dựng, bảo tồn những giá trị vô giá của văn hóa dân tộc mình.
 
Anh Khoa - TRUNG TÂM VHTT-TT DI LINH

Thích và chia sẻ bài viết qua

Nhập bình luận của bạn:

Ý kiến bạn đọc (0)

TT OK Quảng cáo trang nội dung, cột giữa