Lamdongtv.vn - - Giữ chức vụ Trưởng Ban Dân tộc, HĐND huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận, dù bận rất nhiều công việc, nhưng Nghệ nhân ưu tú Tà Thía Banh vẫn luôn miệt mài nghiên cứu, sưu tầm, tìm lại những bài nhạc cổ, nghi lễ truyền thống của đồng bào dân tộc Raglai để truyền dạy cho thế hệ trẻ.
Nhờ đó, ngày càng nhiều người trẻ ở xã Phước Hà thêm yêu và biết sử dụng thuần thục Mã la, Chapi cùng nhiều loại nhạc cụ truyền thống khác, góp phần bảo tồn, gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Raglai.
Lo lắng về sự mai một của nhạc cụ truyền thống dân tộc mình, ông Tà Thía Banh đã dành nhiều thời gian, công sức để sưu tầm các bài nhạc cổ của người Raglai do ông bà để lại Cứ mỗi cuối tuần, đội văn nghệ thôn Rồ Ôn đều tham gia luyện tập đánh Mã la
Từ ngày đầu còn bỡ ngỡ chưa biết cách cầm, cách đánh Mã la, giờ đây, những người trẻ như anh Ba Rá Thừa đã đánh thành thạo nhiều bài nhạc cổ và phân biệt các bài nhạc phù hợp với từng lễ, hội. Có được kết quả này là nhờ sự tâm huyết, chỉ dạy của Nghệ nhân ưu tú Tà Thía Banh.
Tâm huyết, đam mê với văn hóa Raglai, nên dù bận rộn với vai trò Trưởng Ban Dân tộc, Hội đồng nhân dân huyện Thuận Nam, Nghệ nhân ưu tú Tà Thía Banh vẫn luôn sắp xếp công việc, dành nhiều thời gian tham gia các lớp truyền dạy nhạc cụ dân tộc tại địa phương. Từ nỗ lực của ông, đến nay, xã Phước Hà đã lưu giữ được trên 30 bộ mã la, thành lập được 5 đội văn nghệ với hơn 100 thành viên tham gia.
Yêu văn hóa dân tộc, Nghệ nhân ưu tú Tà Thía Banh được ví như chiếc mã la mẹ ngày ngày giữ nhịp cho các mã la con cất tiếng, làm nên bản hòa âm vang vọng giữa núi rừng quê hương./.
PHÒNG THỜI SỰ