Là một nền văn hoá đặc sắc, song văn hóa của đồng bào dân tộc Chăm vẫn đứng trước nhiều nguy cơ mai một. Vì vậy, “Ngày hội văn hóa dân tộc Chăm” được tổ chức 5 năm một lần là một trong những hoạt động thiết thực trong việc định hướng công tác bảo tồn văn hóa dân tộc Chăm gắn với phát triển du lịch, từ đó nâng cao đời sống cho cộng đồng trong bối cảnh hiện nay.
Văn hóa Chăm là một nền văn hóa đặc sắc, rất nổi tiếng trong khu vực Đông Nam Á. Nền văn hóa này tồn tại có hệ thống, khá toàn vẹn ở 9 tỉnh thành ở Nam Trung Bộ và Nam Bộ. Với mục tiêu "Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Chăm trong thời kỳ hội nhập và phát triển đất nước", thời gian qua, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã có những chủ trương rất cụ thể với các tỉnh thành tập trung đông đồng bào Chăm sinh sống. Để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa Chăm, các hoạt động trước hết tập trung hết phải nâng cao nhận thức của cộng đồng dân tộc Chăm, phải để người dân tự hào với chính di sản của họ, từ chỗ tự hào họ sẽ biết cách giữ gìn.
Thực hiện chủ trương phát huy giá trị văn hóa dân tộc, năm nay, tỉnh Ninh Thuận là địa phương đăng cai tổ chức Ngày hội Văn hóa dân tộc Chăm từ ngày 27 – 29/9. Với sự tham gia của 9 tỉnh, thành phố đến từ các tỉnh thành Nam Trung Bộ và Nam Bộ, khoảng gần 1.000 nghệ nhân, diễn viên quần chúng thuộc đồng bào dân tộc Chăm sẽ quảng bá những di sản đặc sắc nhất của cộng đồng mình; đồng thời bàn các giải pháp thu hút đầu tư vào lĩnh vực du lịch góp phần vừa bảo tồn vừa nâng cao thu nhập cho bà con./.
PHÒNG THỜI SỰ