Di tích Quốc gia đặc biệt núi Non Nước, tỉnh Ninh Bình hiện đang lưu giữ một kho tàng văn bia có giá trị cả về mặt lịch sử và văn hoá, đang được tỉnh quan tâm nghiên cứu, bảo tồn, qua đó làm phong phú hơn những di sản văn hoá của vùng đất Cố đô.
Hệ thống di sản văn hóa tại khu di tích núi Non Nước là tài sản tinh thần, nhân văn to lớn của địa phương, có vai trò to lớn đối với sự phát triển lành mạnh và bền vững của cuộc sống đương đại.
Núi Non nước hay còn gọi là Dục Thuý sơn, là thắng cảnh nổi tiếng đã trở thành đề tài, nguồn cảm hứng bất tận cho các vị vua, bậc anh hùng, tao nhân mặc khách nhiều thời đại đề thơ vịnh cảnh là một tàng thư thiên nhiên, bảo tàng thi ca vô giá. Hiếm có ngọn núi nào ở Việt Nam có trên 40 bài thơ văn khắc vào núi và hàng trăm bài thơ vịnh cảnh của các nhà thơ, các danh nhân qua các triều đại như: Trương Hán Siêu, Nguyễn Trài, Phạm Sư Mạnh, Lê Thánh Tông, Lê Hiến Tông, Ngô Thi Nhậm, Tan Đà...
Theo thống kê, hiện nay trên núi có tổng số 63 văn bia, trong đó có 53 bia chữ Hán và 6 bộ chữ Quốc ngữ. Hệ thống di sản văn hóa tại Khu Di tích Quốc gia đặc biệt núi Non Nước là tài sản tinh thần, nhân văn to lớn của địa phương, có vai trò trong phát triển kinh tế du lịch, công nghiệp văn hoá của tỉnh, góp phần hiện thực hoá khát vọng xây dựng thành phố di sản thiên niên kỷ. Với những giá trị lịch sử, văn hóa đặc biệt, di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh núi Non Nước đã được công nhận là Di tích danh thắng cấp quốc gia năm 1962 và Di tích quốc gia đặc biệt năm 2019.
Với các giá trị về lịch sử, văn hoá, tư liệu đặc sắc, núi Non Nước trở thành điểm đến thu hút du khách. Đây cũng là địa chỉ quen thuộc của các nhà trường trên địa bàn tỉnh khi thực hiện các nội dung giáo dục về lịch sử, văn hóa địa phương. Hiện núi Non Nước cùng với núi Cánh Diều gần cạnh đang được tỉnh Ninh Bình đề xuất đưa vào Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích quốc gia đặc việt Cố đô Hoa Lư đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; hướng tới xây dựng hồ sơ đề cử ghi danh hệ thống văn bia tại di tích núi Non Nước, tỉnh Ninh Bình vào các Danh sách di sản tư liệu của UNESCO.
Công tác bảo tồn, phát huy giá trị của di tích Quốc gia đặc biệt núi Non Nước nói chung và hệ thống văn bia nói riêng ngày càng được tỉnh Ninh Bình quan tâm, chú trọng. Thời gian tới, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm gìn giữ di sản cho nhân dân. Đồng thời đẩy mạnh công tác nghiên cứu, thám sát, sưu tầm, nghiên cứu bổ sung để làm rõ hơn nữa các giá trị nổi bật độc đáo của di tích./.
PHÒNG THỜI SỰ