Lamdongtv.vn - Với quan điểm người dân ở đâu, chính quyền ở đó, thời gian qua, nhiều địa phương đã ứng dụng các nền tảng số để tạo thêm kênh tương tác thân thiện giữa người dân và chính quyền.
Có thể thấy rõ những tiện ích mà những ứng dụng công dân số đem lại.
Tuy nhiên, có một thực tế hiện nay là hầu như tỉnh, thành nào cũng đang xây dựng ứng dụng công dân số, thậm chí có những nơi, từng quận, huyện cũng có những ứng dụng tương tự. Điều này gây ra sự trùng lặp, phân tán nguồn lực đầu tư và đặt ra vấn đề cần phải cải thiện để tạo thuận tiện hơn cho người dân sử dụng.
Nếu như trước kia người dân phải đến tận trụ sở của cơ quan chính quyền để phản ảnh những tiêu cực, hay thực hiện các dịch vụ hành chính công… thì nay với các ứng dụng công dân số, công việc này có thể thực hiện ở bất cứ đâu, bất cứ khi nào. Không những vậy, ứng dụng còn được tích hợp thêm nhiều tiện ích số khác. Hiện những ứng dụng như iHanoi, Huế S, Tây Ninh Smart, C Thái Nguyên, Yên Bái S, My Ninh Bình, Long An số… đang được hàng triệu người dân sử dụng thường xuyên, tạo môi trường tương tác giữa chính quyền và người dân.
Tuy nhiên, việc mỗi địa phương, một ứng dụng công dân số khiến người dân phải cài đặt nhiều ứng dụng khi sinh sống và làm việc tại nhiều nơi khác nhau. Nhiều ứng dụng khác nhau cũng dẫn đến thiếu sự kết nối nền tảng kỹ thuật. Về mặt hiệu quả đầu tư bị dàn trải và lãng phí. Bên cạnh đó còn là vấn đề bảo mật dữ liệu, khi người dùng sẽ phải sử dụng thông tin cá nhân để đăng kí tài khoản nhiều lần.
Yêu cầu đặt ra với mỗi ứng dụng công dân số là cần phải liên thông dữ liệu và tích hợp nhiều tiện ích. Ứng dụng phải có giao diện thân thiện, dễ sử dụng để mọi người kể cả người cao tuổi, người ít sử dụng các dịch vụ số đều có thể dễ dàng tiếp cận. Có như vậy, những nền tảng số mới thực sự là kênh tương tác hiệu quả giữa chính quyền với người dân.
PHÒNG THỜI SỰ