Lamdongtv.vn - Tại thị trấn Lộc Thắng, huyện Bảo Lâm, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng phối hợp Ủy ban nhân dân huyện Bảo Lâm đã khai mạc “Ngày hội văn hóa-thể thao vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Lâm Đồng lần thứ 7-năm 2024”.
Ông Đa Cát Vinh - PCT HĐND tỉnh, lãnh đạo các Sở, Ban, Ngành, các huyện, thành phố, và hơn 300 nghệ nhân, diễn viên các dân tộc thiểu số 12 đơn vị hành chính trong tỉnh đã tham dự.
Với chủ đề “Bảo Lâm - huyền thoại và hội tụ”, “Ngày hội văn hóa-thể thao vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Lâm Đồng lần thứ 7-năm 2024” được mở đầu bằng đêm hội “Bản sắc Nam Tây Nguyên ”, với nghi thức rước thần lửa, thần chiêng và đám rước vật thiêng của các đoàn nghệ nhân. Ngọn lửa thiêng được thắp lên, các nghệ nhân đồng bào các dân tộc Mạ, Cơ Ho, Chu Ru, M’Nông… đã tham gia trình diễn các điệu chiêng đặc trưng của dân tộc mình, cùng các điệu dân vũ truyền thống như tái hiện nghi thức Lễ hội mừng lúa mới của người Mạ, cùng hội thi trang trí không gian văn hóa cồng chiêng và giới thiệu ẩm thực truyền thống các dân tộc nam Tây Nguyên.
Phát biểu tại ngày hội, ông Trần Thanh Hoài, Trưởng Ban tổ chức, Phó Giám đốc sở VHTT DL tỉnh Lâm Đồng khẳng định tỉnh Lâm Đồng sở hữu một kho tàng tài nguyên nhân văn vô cùng phong phú, đặc sắc, với nhiều phong tục tập quán, trang phục, kiến trúc nhà ở, lễ hội văn hoá dân gian độc đáo của đồng bào các dân tộc anh em. Trong đó, đặc biệt là không gian văn hóa cồng chiêng của đồng bào dân tộc thiểu số Lâm Đồng cùng các tỉnh Tây Nguyên đã được UNESCO công nhận là “di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại”. Văn hóa cồng chiêng đã và đang được các thế hệ người Mạ, K’ho, Churu và người M’nông ở Lâm Đồng lưu giữ và trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Điều làm nên sự khác biệt và đáng tự hào của các buôn làng không chỉ có những của cải, vật chất mà quan trọng hơn cả là giữ cho được bản sắc văn hóa. Đó là những nét riêng biệt của từng tộc người, từng buôn làng mà di sản văn hóa cồng chiêng là một đại diện tiêu biểu nhất.
Với quan điểm xuyên suốt “Văn hóa là hồn cốt của dân tộc, Văn hóa còn thì dân tộc còn”, việc tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa, thể dục thể thao là một trong những cách thức khơi dậy khát vọng phát triển đất nước và phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Trong những năm qua, tỉnh Lâm Đồng đã mở hơn 100 lớp truyền dạy nhạc cụ truyền thống cho gần 3.000 thanh thiếu niên là người đồng bào dân tộc thiểu số trong tỉnh. Đồng thời, hỗ trợ cồng chiêng cho 113 đội, trang phục truyền thống cho 186 đội, hỗ trợ 72 trang thiết bị cho mỗi nhà văn hóa tại các thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số... Đây là điều kiện cơ bản để các buôn, làng trong tỉnh duy trì tốt sinh hoạt văn hóa cồng chiêng, góp phần lưu giữ và phát huy không gian văn hóa cồng chiêng Tây nguyên.
Đêm khai mạc hòa quyện trong thanh âm không gian văn hóa cồng chiêng vang vọng giữa núi rừng Tây Nguyên, kết hợp những điệu múa của các nghệ nhân đã tạo không khí vui tươi, khơi dậy tinh thần hăng hái thi đua, lao động sản xuất,gìn giữ tinh hoa và phát huy di sản văn hóa cồng chiêng, văn hóa dân gian truyền thống của các nghệ nhân và thế hệ trẻ
Ngày hội Văn hóa - Thể thao vùng đồng bào dân tộc DTTS tỉnh Lâm Đồng lần thứ VII - năm 2024 được xem là dịp để các nghệ nhân, diễn viên, VĐV quần chúng gặp gỡ, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, nâng cao nhận thức, ý thức trong bảo tồn, phát huy các giá trị văn hoá truyền thống của cộng đồng các dân tộc trên địa bàn tỉnh trong thời kỳ hội nhập và phát triển đất nước. Đây là hoạt động thiết thực kỷ niệm 19 năm ngày Di sản Văn hóa Việt Nam (23/11/2024), và cũng là 1 chương trình hưởng ứng Festival Hoa Đà Lạt lần thứ X – năm 2024, đồng thời kỷ niệm 30 năm thành lập huyện Bảo Lâm./.