Tin tức

Sản xuất cà phê có chứng nhận – Xu hướng tất yếu

Thứ ba, 03/03/2020 - 07:30

Giá cà phê liên tục rơi xuống mức thấp; biến đổi khí hậu, thoái hóa tài nguyên đất, suy giảm nguồn nước, cùng với lối sản xuất lạc hậu, chi phí sản xuất cao, hiệu quả thấp… là những thách thức rất lớn của ngành cà phê tỉnh Đắk Lắk nói riêng và Việt Nam nói chung

Những thách thức đó đang đặt ra vấn đề tái cơ cấu ngành cà phê sản xuất bền vững theo chứng nhận quốc tế trở thành yêu cầu bức thiết hiện nay.
Sau nhiều năm thực hiện chương trình sản xuất cà phê bền vững, niên vụ cà phê 2019 -2020 là niên vụ thứ 2 gia đình anh Nguyễn Văn Tuyên cùng các nông hộ trong xã Ea Tân, huyện Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk tham gia chương trình sản xuất cà phê đặc sản. Tham gia chương trình này, các nông hộ, được các đơn vị chức năng tập huấn kỹ thuật canh tác bền vững; hướng dẫn tổ chức sản xuất một cách hợp lý, khoa học, tiết kiệm chi phí mua vật tư, phân bón, thuốc trừ sâu, tiết kiệm được lượng nước tưới…nhưng năng suất, sản lượng, chất lượng cà phê vẫn tăng lên. Đặc biệt, cà phê của các nông hộ nơi đây được các doanh nghiệp thu mua với giá cao hơn nhiều so với giá thị trường.
Sau 10 năm triển khai, các mô hình điểm về sản xuất cà phê có chứng nhận quốc tế đã được nhân rộng, giúp người trồng cà phê nâng cao nhận thức về tác động của biến đổi khí hậu và khả năng thích ứng, đặc biệt là thông qua việc sử dụng các cây trồng cây che bóng mát; giảm lượng nước sử dụng cho việc tưới tiêu; giảm thiểu chất thải từ các chất hóa học không mong muốn vào môi trường. 
Đến nay, Đắk Lắk có trên 45.000 nông hộ tham gia sản xuất cà phê có chứng nhận, xác nhận, với diện tích 65.000 ha, sản lượng đạt 226.100 tấn cà phê nhân. Lượng cà phê này không những đáp ứng nhu cầu của thị trường thế giới, gia tăng lợi nhuận cho người trồng mà còn giúp môi trường sống tại các vùng sản xuất cà phê ngày càng được cải thiện. Điều đáng mừng là nhận thức của người nông dân lẫn các nhà quản lý đã có những chuyển biến rõ rệt, mở ra hy vọng thúc đẩy quá trình tái cơ cấu của ngành cà phê theo hướng bền vững.
Đắk Lắk hiện có 203.000 ha cà phê, chiếm gần 41% diện tích cà phê của cả Tây Nguyên và 30% diện tích cà phê của cả nước, với sản lượng mỗi năm đạt khoảng 450.000 tấn cà phê nhân. Tuy nhiên, diện tích cà phê có chứng nhận theo các tiêu chuẩn quốc tế mới chỉ đạt gần 1/3 diện tích cà phê toàn tỉnh, dẫn đến tình trạng cà phê Việt Nam có giá trị thấp hơn nhiều nước xuất khẩu cà phê khác. Vì thế, tái cơ cấu ngành cà phê, sản xuất theo hướng bền vững, đạt các tiêu chuẩn của thế giới, nâng cao giá trị cà phê là yêu cầu bức thiết của ngành cà phê Việt Nam hiện nay.
Phòng Thời sự
Đài PTTH Lâm Đồng

Thích và chia sẻ bài viết qua

Nhập bình luận của bạn:

Ý kiến bạn đọc (0)

TT OK Quảng cáo trang nội dung, cột giữa