(Lamdongtv.vn) - Trong những năm gần đây,độ tuổi của người vi phạm pháp luật ngày càng trẻ hóa ,các hành vi dẫn đến các vi phạm pháp luật đa phần là nghiện ma túy, trộm cắp dẫn đến thoái hóa nhân cách, rối loạn hành vi, lối sống buông thả.
Thời gian qua, mặc dù lực lượng chức năng đã tăng cường triển khai nhiều giải pháp đấu tranh, phòng ngừa tội phạm và tệ nạn xã hội nói chung, trong thanh thiếu niên nói riêng, tuy nhiên tình trạng thanh thiếu niên vi phạm pháp luật còn diễn biến phức tạp, tác động không nhỏ đến tình hình an ninh trật tự và an toàn xã hội.
Xu hướng gia tăng các vụ phạm tội trong lứa tuổi chưa thành niên nhất là trong thời gian gần đây đang là hồi chuông cảnh báo đòi hỏi có sự quan tâm hơn nữa của các cấp, các ngành và toàn xã hội.
Siêu trộm Huỳnh Văn Lĩnh Phương ngụ huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang – đối tượng trong 8 vụ trộm cắp tài sản với số tiền khoảng 200 triệu đồng ở các cơ sở lưu trú, khách sạn trên địa bàn TP Đà Lạt trong thời gian qua.
Còn đây là các đối tượng lợi dụng đường xá vắng vẻ mùa dịch Covid-19 tổ chức tụ tập đua xe, lạng lách, đánh võng, trong đó có 3 đối tượng sử dụng ma túy trong quá trình điều khiển phương tiện giao thông.
Hay như trong các vụ việc liên quan đến thuê nhà nguyên căn, biệt thự để sử dụng ma túy, bay lắc cho thấy việc quản lý con em của các gia đình còn buông lỏng, chưa có sự giám sát về mặt thời gian dẫn đến các hành vi vi phạm pháp luật, vướng vào các tai tệ nạn xã hội. Các trường hợp này có tuổi đời còn trẻ, là người đồng bào dân tộc thiểu số ít người. Cá biệt, có đối tượng đang nuôi con nhỏ 5 tháng tuổi cũng tham gia vào hội nhóm này.
Qua điều tra các vụ án cho thấy, có nhiều nguyên nhân dẫn đến thanh, thiếu niên vi phạm pháp luật nói chung, trong đó có một bộ phận lớp trẻ hiện nay chỉ thích ăn chơi, hưởng thụ, lệch chuẩn đạo đức, lối sống. Bên cạnh đó, sự gia tăng của các tụ điểm như: quán karaoke, bar… cũng đã lôi kéo nhiều đối tượng là thanh, thiếu niên tụ tập, bị các đối tượng xấu lôi kéo, tụ họp thành những hội, nhóm sử dụng ma túy… Bên cạnh đó, sự phát triển của các trạng mạng xã hội đã thu hút đông đảo giới trẻ tham gia. Tuy nhiên, còn có nhiều thông tin tiêu cực tác động xấu đến người dùng. Chính thực tế này khiến cho nhiều đối tượng còn trẻ tuổi sớm sa vào con đường tệ nạn, phạm tội.
Thống kê chung trong những năm gần đây, cho thấy, độ tuổi của người vi phạm pháp luật ngày càng trẻ hóa ở độ tuổi từ 16-30.. Các hành vi dẫn đến các vi phạm pháp luật đa phần là nghiện ma túy, trộm cắp dẫn đến thoái hóa nhân cách, rối loạn hành vi, lối sống buông thả. Để ngăn chặn các hành vi phạm pháp cho các em ở lứa tuổi vị thành niên thì công tác giáo dục từ gia đình, nhà trường và xã hội là quan trọng. Trong đó gia đình phải quan tâm giáo dục đạo đức, lối sống; kiểm soát được các mối quan hệ xã hội của chính con em mình để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh những lệch lạc, sai trái. Bên cạnh đó, các tổ chức đoàn thể, chính quyền địa phương cũng cần có sự quan tâm tạo ra các sân chơi lành mạnh để hướng các em vào một môi trường tốt, tránh xa tệ nạn xã hội…
Để cho các em trong lứa tuổi thanh thiếu niên, học sinh không vi phạm pháp luật trước hết gia đình phải là nền tảng đầu tiên và quan trọng nhất để giáo dục, hình thành nhân cách cho mỗi người. Mặt khác, về phía các tổ chức đoàn thể cần quan tâm sát sao hơn nữa tới những gia đình có con em là thanh thiếu niên có hoàn cảnh đặc biệt, gia đình mâu thuẫn, rạn nứt… Về mặt quản lý Nhà nước, cần có chính sách quản lý hệ thống thông tin mạng internet tốt hơn, đẩy lùi những tụ điểm xấu, tạo ra môi trường vui chơi, học tập, sinh hoạt lành mạnh cho trẻ em và thanh thiếu niên...
Bên cạnh đó, các ban, ngành, đoàn thể địa phương tổ chức tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức về các quy định của pháp luật liên quan đến công tác PBGDPL cho người có nguy cơ phạm tội cao. “Đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình mới” gắn với các cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư”, “Cảm hóa, giáo dục người lầm lỗi tại cộng đồng dân cư”. Đồng thời, nhân rộng các cá nhân điển hình là người lầm lỗi hoàn lương tích cực tham gia hoạt động xã hội, làm kinh tế giỏi, tổ chức cho các hộ gia đình, các đối tượng ký cam kết không vi phạm pháp luật… Có như thế công tác tuyên truyền, PBGDPL mới đến đúng chổ, đúng người, không để các đối tượng phạm tội vì thiếu hiểu biết pháp luật./.
Hoàng Phúc