Đài Phát thanh - Truyền hình Lâm Đồng
THỜI KỲ TRƯỚC NĂM 1975
Báo chí trong vùng tạm chiếm
Với mục tiêu xây dựng Đà Lạt thành địa bàn chiến lược quan trọng của vùng đất Nam Tây Nguyên, đế quốc Mỹ đã đưa các cố vấn và chuyên viên kỹ thuật đến Đà Lạt để xây dựng Đài Truyền tin núi Bà, Đài Rađa Cầu Đất và nâng cấp, nâng công suất Đài Phát thanh Đà Lạt
Đài Phát thanh Đà Lạt với hệ thống máy phát sóng Gate 5 kW do Mỹ lắp đặt đã trở thành chiếc loa tâm lý chống phá cách mạng. Với 03 buổi phát thanh mỗi ngày, hệ thống này đã ngày đêm tuyên truyền chống chủ trương, đường lối kháng chiến của ta và Đài Đà Lạt trở thành một trong những mục tiêu mà cách mạng phải xoá bỏ.
Hoà với phong trào đấu tranh của nhân dân Huế, Đà Nẵng, Sài Gòn, ngày 26-3-1966, dưới sự chỉ đạo của Thị uỷ Đà Lạt, “Lực lượng nhân dân, học sinh, sinh viên tranh thủ dân chủ” được thành lập. Ngày 28-3-1966, lực lượng này đã phát động cuộc đấu tranh chính trị bằng cuộc mít tinh của 6.000 người tham gia. Sáng ngày 29-3, lực lượng học sinh, sinh viên đã chiếm khu Hoà Bình và kêu gọi đồng bào tham gia đấu tranh.
Sau cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1968, phong trào cách mạng của các địa phương trong tỉnh đã phát triển lên một bước mới. Cùng với hoạt động vũ trang, phong trào đấu tranh chính trị đã nổ ra ở nhiều nơi, đặc biệt là ở thành phố Đà Lạt. Nổi bật trong phong trào này là các hoạt động công khai hợp pháp của các tổ chức: Mặt trận tranh thủ hoà bình, Phong trào phụ nữ đòi quyền sống, Phong trào sinh viên, học sinh.
Sự có mặt của các chương trình phát thanh, các đặc san của phong trào nhân dân, sinh viên, học sinh Đà Lạt trong cuộc đấu tranh hào hùng của dân tộc, tuy chưa là tiền thân của báo chí cách mạng tại Lâm Đồng nhưng đã đánh dấu sự có mặt của báo chí trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước tại địa phương.
THỜI KỲ TỪ 1975 - 2020
ĐÀI PHÁT THANH - TRUYỀN HÌNH LÂM ĐỒNG
Về Phát thanh
Chín giờ sáng ngày 03-4-1975, một trung đội Quân giải phóng thuộc tiểu đoàn 186 đã triển khai đội hình từ Tòa Hành chánh Tuyên Đức xuống chiếm Đài Phát thanh Đà Lạt tại số 3 đường Chu Văn An; toàn bộ cơ sở kĩ thuật của Đài được bảo quản tốt. Đến 19 giờ tối ngày 27-4-1975, Đài Đà Lạt giải phóng, tiếng nói của Đảng bộ và nhân dân Đà Lạt phát đi bản tin đầu tiên, gây một ấn tượng tốt đẹp đối với các tầng lớp nhân dân Đà Lạt.
Thời gian đầu sau giải phóng, các biên tập viên, phóng viên, phát thanh viên… của Đài là những cán bộ văn hóa từ chiến khu về, cán bộ hoạt động trong phong trào học sinh, sinh viên nội thị Đà Lạt… nên hầu như chưa có nghiệp vụ báo chí nói chung và báo nói nói riêng. Ban Tuyên huấn khu ủy và Thông tấn xã Việt Nam khu 6 đã mở một lớp bồi dưỡng nghiệp vụ cấp tốc và sau đó họ vừa làm vừa học, nâng dần trình độ chuyên môn nghiệp vụ, sớm đưa hoạt động của Đài vào nền nếp. Đài Tiếng nói Việt Nam đã cử các nhà báo và phát thanh viên vào giúp Lâm Đồng thực hiện các chương trình phát thanh địa phương và đào tạo đội ngũ.
Cùng với sự hình thành và phát triển của Đài phát thanh tỉnh, hệ thống Đài Truyền thanh huyện, thị và Trạm Truyền thanh cơ sở ở xã phường, hợp tác xã nông nghiệp, công trường, nông trường, xí nghiệp… cũng được các cấp chính quyền quan tâm xây dựng. Đến năm 1980, toàn tỉnh đã có 07 Đài Truyền thanh huyện, thị và 27 Trạm Truyền thanh cơ sở. Các Đài huyện, thị và cơ sở, ngoài chương trình thời sự địa phương 15 - 30 phút hàng ngày, nhiệm vụ chính là tiếp sóng chương trình Đài TNVN và Đài phát thanh tỉnh. Hệ thống phát thanh, truyền thanh đã có tác dụng rất lớn trong công tác tuyên truyền, giáo dục của Đảng, Nhà nước trên phạm vi toàn tỉnh.
Từ ngày phát đi bản tin đầu tiên (27-4-1975) đến nay, Đài Phát thanh đã lần lượt mang nhiều tên gọi: Đài Phát thanh Đà Lạt giải phóng (1975); Đài Tiếng nói nhân dân Lâm Đồng (1976); Đài Phát thanh Lâm Đồng (1978); Đài Phát thanh - Truyền hình Lâm Đồng (từ năm 1984 đến nay).
Cùng với bước phát triển của ngành thông tin đại chúng điện tử, hệ thống phát thanh Lâm Đồng đã được nâng cấp nhiều mặt. Ngoài các thiết bị sóng trung, sóng ngắn, Đài đã được trang bị máy phát sóng FM phát đi chương trình stereo với âm thanh chất lượng cao. Diện phủ sóng ngày càng được mở rộng, số người nghe đài không ngừng tăng.
Với mục tiêu mở rộng diện phủ sóng phát thanh và nâng cao tỷ lệ dân số được nghe đài, Đài Phát thanh - Truyền hình Lâm Đồng đã tập trung tạo một bước chuyển mạnh về hệ thống kỹ thuật. Hiện nay, Đài Phát thanh - Truyền hình Lâm Đồng cùng lúc sử dụng 03 máy phát sóng, bao gồm: máy phát sóng trung 10kW, máy phát sóng ngắn 5kW và máy phát sóng FM 1,3kW. Đội ngũ kỹ sư, công nhân kỹ thuật phát thanh của đài tỉnh và các đài huyện, thành phố đã nhanh chóng làm chủ công nghệ hiện đại, đảm bảo các tiêu chuẩn và thông số kỹ thuật của các thiết bị hiện có.
Từ năm 1980, Đài Phát thanh - Truyền hình Lâm Đồng là đài địa phương sớm nhất trong khu vực phía Nam đưa chương trình phát thanh tiếng dân tộc thiểu số lên sóng phát thanh.
Đến nay, chương trình phát thanh có các chuyên mục ổn định tạo ấn tượng đối với thính giả: Thời sự tổng hợp, Tạp chí văn hóa - Văn nghệ dân gian, Radio 24h yêu thương, Câu lạc bộ văn nghệ, An toàn giao thông, Pháp luật đời sống, Đảng trong cuộc sống, Nông thôn mới, Hộp thư bạn nghe Đài, 365 ngày chuyển động, Quà tặng âm nhạc (trực tiếp), Du lịch lâm đồng (trực tiếp), Sức khỏe cho mọi người (trực tiếp), Chuyện nhà nông (trực tiếp)…
Các chuyên mục, tiết mục trên hệ thống phát thanh đã đi vào thế ổn định; nội dung thông tin đã góp phần định hướng tư tưởng và hướng dẫn dư luận; tính chỉ đạo và tính chiến đấu được chú trọng. Các chương trình phát thanh thu phát qua băng và các chương trình phát thanh phát trực tiếp được chuyển tải qua các phương tiện hiện đại không chỉ góp phần tích cực trong việc giáo dục lòng tự hào dân tộc, truyền thống đoàn kết và cần cù sáng tạo của nhân dân, nâng cao giác ngộ và nhận thức của công dân về nghĩa vụ và quyền lợi đối với đất nước và địa phương, mà còn đấu tranh với những tư tưởng, quan điểm sai trái, những biểu hiện tiêu cực nhằm giữ gìn sự ổn định chính trị - xã hội trên địa bàn.
Về Truyền hình
Trước ngày giải phóng, Đài Truyền hình Quốc gia của chính quyền Sài Gòn đã lắp đặt một trạm phát lại truyền hình tại nhà thờ dòng Chúa cứu thế Đà Lạt. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, trạm này ngưng hoạt động. Ngày 02-9-1977, được sự giúp đỡ của các cán bộ kỹ thuật phát thanh - truyền hình Việt Nam, Đài Phát thanh Lâm Đồng đã đưa trạm phát lại truyền hình này vào hoạt động. Do công suất nhỏ, thiết bị cũ nên sóng truyền hình chỉ phục vụ một số vùng trong phạm vi thành phố Đà Lạt. Năm 1980, trạm phát lại truyền hình này được chuyển xuống đặt tại Cầu Đất.
Ngày 28-5-1984, đồng chí Trần Lâm - Chủ nhiệm Uỷ ban Phát thanh - Truyền hình Việt Nam đã họp với lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng để bàn và quyết định xây dựng trung tâm tiếp phát hình màu tại Đà Lạt. Gần một tháng sau, ngày 20-6-1984, Uỷ ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng ra Quyết định số 397/QĐ/TCUB, đổi tên Đài Phát thanh Lâm Đồng thành Đài Phát thanh - Truyền hình Lâm Đồng. Truyền hình Lâm Đồng ra đời từ đó.
19 giờ tối ngày 07-11-1985, chương trình truyền hình đầu tiên của Đài Truyền hình Lâm Đồng được chính thức phát sóng trên máy phát Thompson 100 watt. Sự kiện này đã để lại dấu ấn khó phai mờ trong mỗi người dân Đà Lạt và mỗi cán bộ công nhân viên Đài Truyền hình Lâm Đồng. Từ đây, truyền hình Lâm Đồng không ngừng phát triển trên nhiều phương diện; diện phủ sóng truyền hình ngày càng mở rộng; chất lượng kỹ thuật phát sóng và nội dung các chương trình được nâng lên rõ rệt; 100% các huyện, thành phố, thị xã đều có thiết bị tiếp sóng vệ tinh chương trình của Đài Truyền hình Việt Nam, giúp nhân dân Lâm Đồng hàng ngày có thể theo dõi được tình hình của đất nước và thế giới.
Hiện nay, Đài Phát thanh - Truyền hình Lâm Đồng đã và đang sử dụng công nghệ số hóa trong các công đoạn sản xuất chương trình và truyền dẫn phát sóng.
Nội dung thông tin trên Đài truyền hình Lâm Đồng ngày càng đa dạng và cập nhật; các chương trình từng bước đổi mới về mặt kết cấu, đi dần vào thế ổn định, bám sát các sự kiện chính trị lớn của đất nước gắn với nhiệm vụ chính trị của địa phương. Sự đổi mới về nội dung, hình thức đã giúp công chúng tiếp nhận thông tin một cách tương đối toàn diện, nhận thức được bản chất sự kiện trong bối cảnh và quá trình diễn biến của từng sự kiện.
Những cán bộ, phóng viên, biên tập, quay phim và phát thanh viên cũng như đội ngũ kỹ sư, công nhân kỹ thuật đã ý thức được trách nhiệm của mình, không ngừng nâng cao kiến thức, trình độ nghề nghiệp, ngoại ngữ, tin học để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về thông tin và giải trí của nhân dân.
Từ năm 2000, Đài Phát thanh - Truyền hình Lâm Đồng là đài địa phương sớm nhất trong khu vực phía Nam đưa chương trình truyền hình tiếng dân tộc thiểu số lên sóng truyền hình.
Chương trình truyền hình đã từng bước đổi mới về mặt cấu trúc, khắc phục tình trạng dàn trải, thiếu trọng tâm, trọng điểm; xây dựng các chương trình thời sự hàng ngày, chuyên mục phục vụ cho từng đối tượng bạn xem Đài. Các chuyên mục trong chương trình truyền hình có sức lôi cuốn khán giả với nhiều lĩnh vực: An ninh Lâm Đồng, Quốc phòng toàn dân, Xây dựng Đảng, Sức khỏe cho mọi người, Hoa Cúc trắng, An toàn giao thông, Công đoàn, Thanh niên, Nông thôn, Rừng và môi trường sống, Pháp luật và đời sống, 365 ngày chuyển động, Du lịch cuối tuần, Nhịp sống Tây Nguyên, Câu lạc bộ văn nghệ, Hộp thư truyền hình, phim truyện,…
Nội dung các tin - bài trong các chương trình phát thanh, truyền hình từng bước được đổi mới theo sát nhiều vấn đề thời sự nóng hổi, những sự kiện chính trị - xã hội - an ninh quốc phòng của cả nước và địa phương. Tính tư tưởng, tính giáo dục, tính chỉ đạo trong từng tin - bài về cơ bản đã đảm bảo đúng hướng, nhất là trên lĩnh vực chống tham nhũng, lãng phí, buôn lậu, phá rừng, nhà đất và các tệ nạn xã hội khác.
Để theo kịp bước tiến của phát thanh, truyền hình, Đài Phát thanh - Truyền hình Lâm Đồng đã chú ý thực hiện nhiều chương trình phát thanh, truyền hình trực tiếp; đồng thời nghiên cứu chuyển qua sản xuất chương trình kỹ thuật số theo chuẩn HD, thực hiện Đề án Số hóa phát thanh - truyền hình giai đoạn 2017 - 2020 theo quy định của Thủ tướng Chính phủ. Duy trì phát sóng trên nhiều phương thức truyền dẫn gồm: Phát sóng mặt đất, mạng Truyền hình cáp, mạng viễn thông băng rộng IPTV (MyTV), phát sóng qua vệ tinh, phát thanh, truyền hình trực tuyến trên mạng Internet tại địa chỉ lamdongtv.vn và các thiết bị di động khác.
Cùng với nhiệm vụ chuyên môn, Đài Phát thanh - Truyền hình Lâm Đồng cũng rất quan tâm xây dựng và phát triển cơ quan ngày càng lớn mạnh. Hiện nay, Đài PT-TH Lâm Đồng có Đảng bộ, Công đoàn, Hội Cựu chiến binh, Chi đoàn thanh niên, Chi hội Nhà báo và tổng số gần 160 nhân sự phục vụ mọi hoạt động của Đài. Hầu hết, cán bộ, biên tập viên, phóng viên, kỹ sư, kỹ thuật viên,… của Đài đều đạt trình độ đại học trở lên; các chức danh lãnh đạo từ trưởng, phó phòng trở lên đều có trình độ lý luận chính trị trung, cao cấp. Đây là nền tảng tạo sự phát triển vững chắc của Đài.
Với vốn liếng ban đầu hết sức khiêm tốn, lại khởi hành từ điểm xuất phát thấp, nhưng từ ngày giải phóng 1975 đến nay, Đài Phát thanh - Truyền hình Lâm Đồng đã không ngừng lớn mạnh. Những đóng góp của phát thanh, truyền hình Lâm Đồng trong công cuộc đổi mới, trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đã được ghi nhận. Tuy nhiên, vấn đề then chốt của phát thanh, truyền hình Lâm Đồng trong thời gian tới là tiếp tục cải tiến, đổi mới, nâng cao chất lượng chương trình phát thanh, truyền hình ngày càng bổ ích, hấp dẫn, phù hợp với xu thế phát triển của báo chí hiện đại và đáp ứng ngày càng cao về nhu cầu thông tin, thẩm mỹ và giải trí của nhân dân.