Tin tức

Khai thác thủy sản bền vững cần sự hỗ trợ từ nhiều tổ chức

Thứ ba, 08/12/2020 - 18:08

Khánh Hòa là một trong những địa phương có thế mạnh về phát triển khai thác thủy sản, với đội tàu khai thác lên đến hơn 4.200 chiếc. Trong đó, 748 chiếc có chiều dài từ 15m trở lên, đang tham gia khai thác ở các vùng biển xa

 Bên cạnh đó, toàn tỉnh cũng có đến 44 doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu thủy sản, góp phần mang lại thu nhập cho hàng chục nghìn lao động nghề biển. Tuy nhiên, với một nền kinh tế hội nhập sâu rộng như Việt Nam, đòi hỏi ngành thủy sản nhanh chóng thay đổi, đáp ứng nhu cầu thị trường từng, và hướng đến sự phát triển bền vững, có trách nhiệm.
Những lô hàng cá ngừ đầu tiên của doanh nghiệp chế biến thủy sản ở Khánh Hòa được xuất sang EU, trong tháng 10 vừa qua mang ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Không chỉ đánh dấu một tiến trình mới trong quan hệ kinh tế giữa các bên, mà đây là cơ hội rất lớn để mặt hàng thủy sản mở rộng thị trường xây dựng thương hiệu, và nhất là thuận lợi hơn trong việc tháo gỡ thẻ vàng EC.

Tuy nhiên, nói như vậy không có nghĩa là mặt hàng thủy sản của Việt Nam sẽ đạt được tốc độ tăng trưởng cao. Vấn đề cốt lõi là mặt hàng thủy sản phải vượt qua được các rào cản kỹ thuật từ thị trường thế giới. Để làm được điều này, mỗi địa phương cần xây dựng chiến lược phát triển bài bản, hướng nghề khai thác thủy sản mang tính bền vững, có trách nhiệm. Do đó, trong suốt gần 3 năm qua, Khánh Hòa đã ban hành kế hoạch hành động nhằm ngăn chặn, giảm thiểu và loại bỏ khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (khai thác IUU). Đến nay, nhận thức của ngư dân đã có nhiều chuyển biến tích cực. Hệ thống kiểm soát nguồn gốc thủy sản, vệ sinh an toàn thực phẩm dần hoàn thiện. Đặc biệt, Khánh Hòa cũng đã triển khai thành công 3 chuỗi liên kết khai thác, thu mua, chế biến, tiêu thụ cá ngừ; trên cơ sở đó, hoạt động của ngư dân, doanh nghiệp ngày càng hiệu quả, đáp ứng được yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường.
Thực tế cũng cho thấy, việc phát triển nghề khai thác mang tính bền vững, hiện đại vẫn là câu chuyện dài. Ngoài sự nỗ lực của Chính phủ, các bộ ngành trung ương, địa phương, doanh nghiệp và ngư dân thì sự tham gia các tổ chức nghề nghiệp, nhà khoa học là hết sức quan trọng. Để tạo được lòng tin từ thị trường xuất khẩu và kể cả người tiêu dùng. Chính vì vậy, liên tục trong vài năm gần đây, các Hiệp hội trong lĩnh vực thủy sản đã triển khai nhiều hoạt động đồng hành cùng ngư dân và donah nghiệp. Trong đó, các đơn vị mong muốn hướng sản phẩm thủy sản đạt được các tiêu chuẩn cao nhất, tạo thuận lợi để có mặt bất cứ thị trường nào trên thế giới.
Thực tế cho thấy, tình hình khai thác thủy sản ngày một khó khăn hơn, khi ngư trường thu hẹp, sản lượng khai thác sụt giảm nghiêm trọng, tình hình dịch bệnh chưa được kiểm soát… Đã tác động trực tiếp đến đời sống ngư dân. Do đó, bà con ngư dân đang mong mỏi nhận được sự hỗ trộ nhiều hơn từ Trung ương: từ việc hỗ trợ tiền dầu theo Quyết định 48 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ; các chính sách hỗ trợ lắp đặt và cước phí sử dụng thiết bị giám sát hành trình tàu cá để giúp ngư dân giảm bớt khó khăn, tiếp tục vươn khơi bám biển, thực hiện đầy đủ các quy định quốc tế để đảm bảo nghề khai thác thật sự mang tính bền vững, có trách nhiệm.

Phòng Thời sự
Đài PTTH Lâm Đồng

Thích và chia sẻ bài viết qua

Nhập bình luận của bạn:

Ý kiến bạn đọc (0)

Quảng cáo trang nội dung, cột giữa Quảng cáo trang chủ, cột giữa OK TT