Theo Liên minh Hợp tác xã tỉnh Kon Tum, trong năm 2020, toàn tỉnh hiện có 40 hợp tác xã được thành lập mới, nhiều nhất từ trước tới nay
Qua đó, nâng tổng số hợp tác xã của tỉnh lên 165, thu hút hơn 10.000 thành viên tham gia, giải quyết việc làm cho hơn 1.000 lao động ở nông thôn, nâng cao thu nhập, giảm nghèo, đời sống của các xã viên ngày càng được nâng lên.
Vườn chuối tiêu hồng của Hợp tác xã Bắc Tây Nguyên Farm, huyện Đăk Hà. Hợp tác xã này được thành lập từ tháng 6/2020 với mục đích sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và hình thành chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản. Hiện hợp tác xã đang xây dựng vùng nguyên liệu hàng trăm héc ta cà phê hữu cơ, chuối tiêu hồng, cao su và các loại cây ăn quả … Đơn vị này có 15 xã viên, tạo việc làm cho 40 lao động thường xuyên và trên 100 người khi vào mùa.
Anh Bùi Văn Đông, xã viên Hợp tác xã Bắc Tây Nguyên Farm, tỉnh Kon Tum Nhờ tham gia vào Hợp tác xã, tôi được tiếp cận với nguồn công nghệ cao, hướng sản xuất hữu cơ, chất lượng sản phẩm tốt, nâng cao chất lượng sản phẩm và tạo công ăn việc làm, thu nhập cho gia đình.
Ông Vũ Ngọc Hà, Giám đốc Hợp tác xã Bắc Tây Nguyên Farm, tỉnh Kon Tum nói : Khi tham gia vào HTX, bà con có cái lợi là mình được HTX sản xuất theo quy trình và có đầu ra ổn định, nâng cao được giá trị về kinh tế về sản phẩm, tránh tình trạng khi sản xuất ra thì bị được mùa, mất giá hay làm theo trào lưu. Khi mà HTX đã triển khai bất cứ cây gì thì phải có hợp đồng ký kết để mình ổn định, ký hợp đồng cây gì thì mình trồng cây đó để khi mình bán ổn định.
Trong khi đó, Hợp tác xã Nông nghiệp sản xuất và thương mại Sáu Nhung được thành lập từ năm 2012, với ngành nghề kinh doanh chính thuộc lĩnh vực nông nghiệp. Đặc biệt, với lợi thế của huyện là vùng trồng cà phê nhiều nhất của tỉnh, đơn vị đã mạnh dạn áp dụng các kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất cà phê. Từ việc chỉ có 7 thành viên vào năm 2016, đến nay, Hợp tác xã đã có 113 thành viên, tạo việc làm cho hàng chục lao động tại chỗ. Tổng doanh thu của đơn vị cũng không ngừng nâng lên, từ khoảng 1,6 tỷ vào năm 2016 lên trên 16 tỷ đồng vào năm 2020.
Ông Nguyễn Tri Sáu, Giám đốc HTX Nông nghiệp sản xuất và thương mại Sáu Nhung, tỉnh Kon Tum chia sẽ : Chúng tôi đang quy hoạch vùng sản xuất, vùng canh tác lớn, có quy chuẩn, tiêu chuẩn. Thứ 2 nữa là sản phẩm cà phê của chúng tôi đang sản xuất là đưa về chế biến được kiểm soát từ vườn câ y sau thu hoạch, chế biến sau thu hoạch và chế biến sâu. Sản phẩm của chúng tôi đều định hướng chuẩn theo hướng xuất khẩu.
Ông Bùi Huy Cường, Giám đốc Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã tỉnh Kon Tum cho biết : Trong thời gian tới, chúng tôi dự kiến đổi mới nội dung và phương pháp tuyên truyền. Thứ 2 là kích thích phát triển kinh tế tập thể trên tất cả các lĩnh vực, tất cả ngành nghề, nhất là khu vực nông thôn, các mô hình sản xuất nông nghiệp gắn với chuỗi tiêu thụ sản phẩm. Nhân rộng các hợp tác xã kiểu mới, những mô hình lien kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm trong nông nghiệp. Qua đó, góp phần xây dựng nông thôn mới ở địa phương.
Theo dự kiến, cuối năm 2021, Kon Tum sẽ có 200 hợp tác xã với khoảng 10.000 thành viên, hoạt động tập trung vào các lĩnh vực tiềm năng của tỉnh như nông nghiệp, dược liệu, tiểu thủ công nghiệp và thương mại, phát triển theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả cạnh tranh… Đây sẽ là tiền đề để người nông dân ở Kon Tum tham gia vào Hợp tác xã yên tâm hơn trong việc tìm đầu ra cho các sản phẩm, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp.
Phòng Thời sự
Đài PT-TH Lâm Đồng