(Lamdongtv.vn) - Qua nhiều khó khăn thất bại với quyết tâm về hướng phát triển về cung cấp trứng gà sạch cho thị trường, bà Lê Thị Thanh đã gầy dựng nên thương hiệu vững bền trên vùng đất mới cao nguyên Đà Lạt
Từng có những năm tháng công tác tại một công ty nhà nước về chăn nuôi ở khu vực phía Bắc, đến năm 1992, rời quê Bắc Ninh vào lập nghiệp tại vùng đất cao nguyên Đà Lạt, ban đầu bà Lê Thị Thanh gây dựng từ việc nuôi khoảng chục con gà để lấy trứng, trải qua nhiều lần thất bại nhưng bà vẫn không nản lòng để tiếp tục gầy dựng nên những trang trại rộng lớn và hình thành nên Công ty TNHH Chăn nuôi Tafa Việt chuyên cung cấp trứng gà sạch.
Nhẹ nhàng, bình dị, không trau chuốt là điều dễ nhận thấy ở bà Lê Thị Thanh - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty TNHH Chăn nuôi Tafa Việt đóng chân tại thành phố Đà Lạt. Để có được trang trại rộng 4 ha tại khu vực Du Sinh ở Phường 5, nuôi trên 100 ngàn con gà và mỗi ngày xuất ra thị trường tỉnh Lâm Đồng khoảng 70 ngàn quả trứng sạch thì trước đó bà phải trải qua rất nhiều khó khăn , thử thách và kèm theo thất bại như gà nuôi không đạt cho năng suất kém hay thị trường tiêu thụ bị ảnh hưởng dịch cúm gia cầm…. nhưng bà Thanh vẫn không nản và cố quyết tâm gầy dựng cho được những trang trại gà “sạch”.
Nghĩ lại khi ấy, dù nguồn vốn ít ỏi, người phụ nữ này quyết tâm đi vay mượn để dựng trại gà nuôi khoảng 100 con ở đường Ngô Quyền, Phường 6. Thế rồi quy mô dần mở rộng, bà tiếp tục mua đất trả góp, vay vốn dựng tiếp 1 trại gà nữa ở đường Ngô Tất Tố, Phường 8, rộng 5.000 m2 và tăng tổng đàn lên chục ngàn con gà. Đến năm 2002, trại gà được chuyển về địa chỉ hiện tại và trở thành một trong những trại gà lớn nhất Đà Lạt lúc bấy giờ, trại tăng thêm uy tín bởi chú trọng chăn nuôi sạch, môi trường xung quanh không ô nhiễm và rồi những quả trứng được kiểm dịch y tế đầy đủ đưa đến tay người tiêu dùng.
Bà Nguyễn Thị Lan - đường 3/2 TP Đà Lạt nói : Tôi thì mua ở đây lâu rồi, khi sử dụng thấy lòng đỏ nhiều đậm màu, ăn béo và chất lượng nên tôi thường xuyên ra mua về để làm bánh bán
Bà Thái Thị Thu - Chủ cửa hàng rau, củ phường 4 -TP Đà Lạt cho biết : Tôi cũng lấy trứng của công ty lâu rồi, có giấy kiểm định chất lượng rõ ràng, người mua phản hồi tốt nên tôi sẽ tiếp tục sử dụng trứng sách tại công ty
Bước vào tuổi 60, với kinh nghiệm 30 năm trong ngành chăn nuôi gà đẻ lấy trứng, kỹ sư nông nghiệp luôn tâm niệm rằng: “ Để giữ vững thương hiệu thì việc nâng cao chất lượng sản phẩm sạch là điều quan trọng”. Vì vậy, năm 2010 bà Lê Thị Thanh quyết mở rộng thị trường hoạt động, tạo kết nối giao thương giữa Lâm Đồng và Bình Thuận nên bà đã thực hiện dự án đầu tư quy mô trang trại sạch với hàng trăm tỷ đồng trên diện tích rộng gần 10 ha với hệ thống khép kín gồm chăn nuôi gà, dây chuyền xử lý trứng sạch theo công nghệ Nhật Bản, sản xuất thức ăn chăn nuôi và xử lý chất thải thành phân hữu cơ vi sinh. Với quy mô phát triển trang trại , bà Thanh đã giải quyết việc làm cho cả trăm lao động, với mức lương phù hợp, nhất là khi việc làm đang là khó khăn trong thời điểm dịch bệnh Covid-19. Thế là những chuyến xe trứng sạch từ Bình Thuận vận chuyển lên lên Đà Lạt cũng như các tỉnh lân cận cứ thế nối dài.
Bà Phạm Thị Hoa – Quản lý trang trại gà tại Đà Lạt cho hay : Công việc bây giờ có máy móc hỗ trợ nên rất thuận tiện, tiết kiệm nhân công lao động và hệ thống kiểm dịch bài bản đã đưa chất lượng sản phẩm được nâng lên
Với sự quyết đoán và không ngại khó, năm 2018, công ty Tafa Việt của Nữ kỹ sư nông nghiệp Lê Thị Thanh được Bộ nông nghiệp chứng nhận doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Chính sự nổ lực không ngừng nghỉ nên quả ngọt thu về là uy tín cho doanh nghiệp đến từ một người nông dân thực thụ.
Bà Lê Thị Thanh – Chủ tịch HĐQT Chăn nuôi Tafa Việt cho biết : Sở dĩ tôi đầu tư mở rộng tại Bình Thuận là việc cung cầu cho thị trường thuận lợi theo tuyền đường giao thông, hơn nữa sắp tới đây quy mô sản xuất trang trại trong nội thành Đà Lạt không cho phép vậy nên tôi phải chuyển hướng sang vùng đất mới và lấy Đà lạt làm điểm nhấn để cung ứng sản lượng trứng sạch cho vùng du lịch. Tôi cam kết việc nâng cao chất lượng sản phẩm phải đạt chuẩn và thân thiện với môi trường.
Trong thời kỳ phát triển kinh tế, nhu cầu tiêu dùng ngày càng khắc khe thì đòi hỏi người đi đầu trong sản xuất phải dần bỏ việc chăn nuôi theo kiểu truyền thống mà chuyển hướng sang đầu tư máy móc kết hợp khoa học công nghệ hiện đại, có như vậy thì thương hiệu Việt mới bền vững. Giờ đây, bà Lê Thị Thanh đã tạm hài lòng bởi mình đã đi đúng hướng phát triển của một xã hội hiện đại ./.
Bích Thảo