Việc chuyển đổi từ đất trồng sắn kém hiệu quả sang trồng cây dược liệu có hiệu quả kinh tế cao, có liên kết tiêu thụ sản phẩm với doanh nghiệp... là mô hình thành công cần được nhân rộng tại xã Lìa, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị
Qua hơn 2 năm được trồng trên chất đất của xã Lìa, huyện Hướng Hóa, cây cà gai leo đã khẳng định hiệu quả kinh tế cho người dân.
Từ năm 2019, được sự hỗ trợ của chính quyền xã và Công ty TNHH Thảo dược Huệ Đà, Thành phố Hồ Chí Minh; 5 hộ dân của xã Lìa, huyện Hướng Hóa đã chuyển đổi hơn 3,5 ha đất nông nghiệp kém hiệu quả sang trồng cây cà gai leo. Nhờ áp dụng đúng quy trình kỹ thuật sản xuất cây dược liệu nên đến nay, cà gai leo của các hộ cho thu hoạch được 2 vụ mỗi năm, bình quân mỗi lứa các hộ thu hoạch được 3,5 đến 4 tạ cây khô, với giá bán bình quân từ 35.000 đồng đến 40.000 đồng/1kg.
Cây cà gai leo có khả năng chịu hạn tốt, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu của các xã vùng Lìa vì vậy địa phương đặt mục tiêu chuyển đổi 20 ha đất trồng sắn kém hiệu quả sang trồng cây cà gai leo vào cuối năm 2021. Nhằm tạo thuận lợi cho người dân tham quan học tập, Đồn biên phòng Thanh đóng chân tại địa bàn cũng đã triển khai trồng 3 ha cà gai leo với 150 nghìn cây. Đồng thời trực tiếp hướng dẫn kĩ thuật chăm sóc cho 10 hộ tại xã Thanh, xã Lìa và xã Xy huyện Hướng Hóa.
Đối với đồng bào Vân Kiều, Pakô tại huyện Hướng Hóa, người dân đã quen với trồng sắn, trồng chuối, tuy nhiên những đối tượng cây trồng này đang dần bộc lộ một số hạn chế nhất định như làm cho đất đai bạc màu, đầu ra bấp bênh… do vậy việc chuyển đổi, đa dạng hóa cây trồng là việc làm cần thiết. Với việc trồng thành công cây dược liệu cà gai leo sẽ là hướng giải quyết việc làm hữu ích, góp phần tăng thu nhập cho bà con nhân dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Phòng Thời sự
Đài PTTH Lâm Đồng