(Lamdongtv.vn) - Mắc ca là một loại cây trồng có điều kiện sinh thái phát triển hẹp, chỉ phù hợp với một số vùng trồng nhất định. Lâm Đồng là một trong số ít những địa phương của cả nước có thể canh tác mắc ca và đã đem lại hiệu quả kinh tế cao
Hầu hết diện tích mắc ca Lâm Đồng đều trồng xem, tuy nhiên để đạt thu nhập cao, một số nông hộ đã bắt đầu trồng thuần mắc ca với kỹ thuật chăm sóc kỹ lưỡng và đã đạt được những kết quả khả quan.
Gia đình anh Nguyễn Văn Hội xã Liên Đầm huyện Di Linh đầu từ trồng thuần 2 sào mắc ca ghép nay đã bước vào mùa thu hoạch thứ 3 với năng suất cao. Khác với các nông hộ khác chỉ trồng mắc ca xen với các loại cây trồng khác như cà phê, cây ăn trái thì anh Hội chỉ trồng duy nhất 1 loại mắc ca. Trong lúc nhiều nông hộ chỉ chăm sóc mắc ca chung với các loại cây trồng khác thì anh Hội đã giành riêng cho cây mắc ca một quy trình kỹ thuật riêng, chế độ dinh dưỡng riêng. Vì vậy mà năng suất chất lượng vườn mắc ca nhà anh đã vượt trội và được các đơn vị thu mua, chế biến đặt hàng với giá ổn định.
Cũng là người gắn bó với cây mắc ca và để tạo ra sản phẩm cây giống mắc ca đạt hiệu quả kinh tế vượt trội gia đình anh Lưu Quốc Chính xã Hoa Trung huyện Di Linh đã mạnh dạn chuyển đổi 3 ha cà phê với năng suất 4 - 5 tấn/ha sang trồng chuyên canh cây mắc ca từ năm 1995, 1996. Sau thời gian 5 - 7 năm chăm sóc, mắc ca đi vào thu hoạch vụ mùa kinh doanh. Anh Chính cũng đã áp dụng quy trình kỹ thuật chế biến mắc ca và đưa sản phâm ra thị trường siêu thị và các cửa hàng bán lẻ trong nước.
Mắc ca là loại cây lâm nghiệp có khả năng chịu hạn cao nên phù hợp với những vùng khó khăn về nguồn nước. Mắc ca có chiều cao và tán lớn nên nó phát huy hiệu quả trong che bóng và chắn gió cho các cây trồng khác. Thực tế cho thấy trồng xen cà phê và mắc ca đã giảm 30% lượng nước tưới và tăng 20% năng suất cho cà phê. Vòng đời của mắc ca lên đến 60 năm cũng là đặc điểm để nông dân khai thác trữ lượng gỗ. Đặc biệt, với khí hậu mát mẻ của Lâm Đồng, có thể trồng mắc ca tại nhiều địa bàn và cho thu hoạch 2 vụ mỗi năm mà các tỉnh khác không đạt được. Ngành chức năng cũng khuyến cáo một số giải pháp chăm sóc, phòng bệnh cho cây mắc ca.
Hiện nay, Lâm Đồng có hơn 4000 ha mắc ca, trong đó trên 90% là trồng xen. Rõ ràng việc trồng thuần mắc ca đem lại hiệu quả kinh tế cao bởi mắc ca được chăm sóc dinh dưỡng và phòng trừ dịch bệnh tốt hơn là trồng xen. Tuy nhiên, ngành chức năng cũng khuyến cáo nông dân nếu muốn đa dạng dạng hóa nguồn thu nhập, đặc biệt là trong giai đoạn kiến thiết cơ bản thì nông dân nên trồng xen một số cây ngắn ngày trong vườn mắc ca.
Mai An