Liệu có thể giảm thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hóa học để giảm tác động tiêu cực đến môi trường, nhưng vẫn đảm bảo tăng năng suất, chất lượng lúa gạo và nâng thu nhập cho người nông dân hay không?
Đây là trăn trở của không ít nông dân nhiều năm gắn bó với cây lúa tại tỉnh Phú Yên, nơi mỗi hộ gia đình chỉ có vài sào ruộng nhưng vẫn muốn hướng đến sản xuất bền vững, giảm tác hại đến môi trường. Và hướng mở đã có, khi nhiều nông dân tham gia các mô hình liên kết, sản xuất lúa theo hướng hữu cơ được hình thành trong vụ sản xuất Đông Xuân 2020-2021. Với cách làm mới: vừa có sự hỗ trợ tích cực từ ngành nông nghiệp và doanh nghiệp cả đầu ra và đầu vào, hiệu quả có thể nhận thấy rõ trên các cánh đồng này nhờ lúa ít sâu bệnh, đạt năng suất cao.
Vẫn trên cánh đồng Vườn Găng quen thuộc ở xã Hòa Mỹ Tây, huyện Tây Hòa, tỉnh Phú Yên... Nhưng sự khác biệt chính ở những ruộng lúa này. Bông lúa trĩu hạt. Hạt lúa nào cũng sáng, chắc. Hàng chục năm gắn bó với cây lúa, nhưng Giám đốc HTX Nông nghiệp Kinh doanh dịch vụ Hòa Mỹ Tây Phùng Minh Tuấn ưng ý nhất là trên các cánh đồng mô hình canh tác bằng giống lúa TBR1, sản xuất theo quy trình hữu cơ, sử dụng phân hóa hữu cơ Quế Lâm của vụ lúa này. Mức đầu tư về vật tư đầu vào thấp hơn mức đầu tư trung bình theo lối sản xuất truyền thống, nhưng hiệu quả có thể nhận thấy: lúa ít sâu bệnh, cây lúa phát triển đồng đều hơn; cây đứng, tỷ lệ đẻ nhánh cao và số hạt chắc cao.
Mô hình sản xuất lúa theo quy trình hữu cơ được triển khai trên diện tích 3hecta tại 3 xứ đồng: Vườn Găng (xã Hòa Mỹ Tây), Gò Lịch (xã Hòa Phong), huyện Tây Hòa và Chà Rang, xã Hòa Quang Nam, huyện Phú Hòa. Đến thời điểm này, sản lượng ghi nhận đạt bình quân gần 80 tạ/hecta (tăng gần 2 tạ/hecta so với lúa đối chứng). Hạt gạo trắng, thơm mềm. Lợi nhuận bình quân tăng hơn 4-5 triệu đồng/hecta.
Triển khai trong vụ lúa Đông Xuân 2020-2021, các mô hình được Công ty Cổ phần Tập đoàn Quế Lâm hỗ trợ về quy trình kỹ thuật, vật tư phân bón; giám sát, hướng dẫn trong suốt quá trình canh tác và cam kết năng suất ngang bằng hoặc cao hơn so với mức bình quân của vùng tại thời điểm thu hoạch... Điểm nổi trội nhất là sản xuất lúa theo hướng hữu cơ do Quế Lâm triển khai chỉ sử dụng thuốc BVTV sinh học, thuốc thảo mộc. Từ đó góp phần cải thiện môi trường đất, nước... nâng cao sức khoẻ cho người sản xuất; giảm đáng kể công phun xịt thuốc và tác động tiêu cực đến môi trường sinh thái.
Sự gắn kết giữa doanh nghiệp, khoa học và nông dân mà cụ thể ở đây, đầu mối là các HTX đang dần hình thành những cánh đồng sản xuất theo hướng hữu cơ; đồng thời hình thành chuỗi sản xuất bền vững... Như vậy, sau rất nhiều năm tìm hướng đi, ngành nông nghiệp cũng như nông dân trồng lúa của tỉnh, đã phần nào an tâm hơn khi cuộc sống của họ đến lúc này vẫn phải dựa vào thửa ruộng. Sản xuất theo hướng hữu cơ cũng là hướng đi phù hợp theo định hướng phát triển của nông nghiệp hiện nay.
Phòng Thời sự
Đài PTTH Lâm Đồng