Sau nhiều năm giá mủ cao su chạm đáy, làm người trồng như đã hết kiên nhẫn với “vàng trắng” thì giá mủ cao su đã tăng vọt trở lại từ đầu năm 2021 đến nay khiến cho người trồng cao su tại Đắk Nông rất phấn khởi
5 năm nay, gia đình ông Lê Quốc Hưng, thôn 6, xã Nhân Đạo, huyện Đăk R’lấp không mặn mà với 2,4 ha cao su đã vào thời kỳ kinh doanh, nguyên nhân là do rớt giá, có lúc chạm đáy, tiền thu được từ mủ cao su không bù đủ nguồn vốn bỏ ra.
Thế nhưng, bước vào vụ khai thác mủ của năm 2021 này, gia đình ông Hưng rất phấn khởi khi giá mủ cao su đã nhích lên cao.
Nếu giai đoạn 2012-2020 giá mủ cao su chỉ đạt từ 8.000-9.000 đồng/kg thì từ đầu năm 2021 đến nay, có thời điểm giá cao su tăng lên 15.000-16.000 đồng/kg. Giá cao su tăng trở lại đã mang niềm vui cho người trồng cao su ở xã Nhân Đạo nói riêng và tỉnh Đăk Nông nói chung yên tâm sản xuất trong tình hình dịch covid-19 đang diễn biến phức tạp, giá nhiều loại nông sản giảm sâu.
Những năm qua, do giá mủ cao su xuống thấp nên người dân ít chăm sóc, thậm chí nhiều hộ đã chặt cao su để trồng cây khác, làm cho diện tích cây cao su của xã Nhân Đạo giảm khoảng 30% so với những năm trước đây. Hiện tổng diện tích cao su toàn xã còn 263 ha, năng suất 1,65 tấn mủ/ha. Trước tín hiệu mừng khi giá cao su tăng, nhiều bà con nông dân đã trở lại chăm sóc cây cao su theo đúng chu kỳ.
Hiện tổng diện tích cao su của Đăk Nông là hơn 25.000 ha, năng suất 1,5 tấn mủ/ha, sản lượng 36.000 tấn mủ/năm. Giá mủ cao su trên thị trường đang dần hồi phục và là tín hiệu rất đáng mừng cho người dân và những doanh nghiệp cao su trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, để cây cao su phát triển bền vững, ngành nông nghiệp tỉnh khuyến cáo người dân nên chú trọng khai thác một cách hợp lý, không nên mở rộng diện tích và trồng cao su ngoài vùng quy hoạch của tỉnh.
Phòng Thời sự
Đài PTTH Lâm Đồng