Đồng bằng sông Cửu long là vùng trồng lúa lớn nhất cả nước. Nếu như trước đây, cơ giới hóa chỉ mới dừng ở việc thu hoạch, điều tiết nước và chế biến, thì nay nhiều tiến bộ khoa học đã thay thế phần lớn sức người
Chỉ cần thêm những cơ chế chính sách phù hợp, cộng với sự đồng hành của các doanh nghiệp, thì tương lai không xa, người nông dân có thể thoát cảnh "chân lấm, tay bùn".
Buổi trình diễn máy bay không người lái phun thuốc trừ sâu vừa được tổ chức tại huyện Tân Hưng tỉnh Long An, khiến hàng trăm nông dân Đồng bằng sông Cửu long (ĐBSCL) ngỡ ngàng về thành tựu của KHCN có thể áp dụng hiệu quả vào sản xuất lúa gạo. Một chiếc máy như thế này có thể thay thế cho 30 lao động, tiết kiệm 20% thuốc bảo vệ thực vật, góp phần bảo vệ môi trường, và còn nhiều ưu thế khác so với phun tay.
Tại ĐBSCL, cơ giới hóa trước đây chỉ tập trung ở khâu thu hoạch và chế biến. Nhưng nay, máy móc đã có thể thay thế sức người ở những khâu vốn cần nhiều nhân công. Tuy nhiên chi phí đầu tư máy móc chính là vấn đề phải bàn. Số tiền đầu tư gần 1 tỷ đồng cho một cỗ máy thông minh có thể khó với nông dân, nhưng nếu có doanh nghiệp đồng hành sẽ dễ dàng hơn nhiều.
Một cái khó nữa là, việc sản xuất còn manh mún. Ở ĐBCSL rất ít những vùng sản xuất chuyên canh có liên kết để đồng bộ về giống, quy trình kỹ thuật. Chưa kể, việc kiểm nghiệm hiệu quả của máy móc trên thực tế cũng cần phải có thời gian, trong khi quy hoạch sản xuấtlại dễ dàng bị phá vỡ vì giá nông sản bấp bênh.
Với những tiến bộ của khoa học công nghệ, sự đồng hành của doanh nghiệp, người trồng lúa ở ĐBSCL hoàn toàn có thể tin tưởng trong tương lai không xa sẽ không còn cảnh chân lấm tay bùn. Tuy nhiên, đây là quá trình dài đòi hỏi phải đồng bộ hơn nữa về hạ tầng sản xuất, về cơ chế khuyến khích và thu hút đầu tư vào phát triển cơ khí nông nghiệp và quan trọng nhất là phải có một thị trường nông sản ổn định để mọi thành phần tham gia đầu tư trong chuỗi đều có lợi./.
Phòng Thời sự
Đài PTTH Lâm Đồng