(Lamdongtv.vn) - Chè hiện là loại cây công nghiệp dài ngày được thâm canh phổ biến tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng. Thời điểm hiện nay, tại một số nông hộ, nhiều diện tích chè bị các loại sâu bệnh gây hại
THỰC TRẠNG VÀ GIẢI PHÁP TRIỂN KHAI
Tỉnh Lâm Đồng là địa phương có diện tích canh tác chè tương đối lớn của cả nước, với gần 11.300 ha, năng suất bình quân 11,8 tấn/ha. Các vùng chè tập trung gồm: thành phố Đà Lạt, thành phố Bảo Lộc và các huyện Bảo Lâm, Lâm Hà, Di Linh… Những năm qua, bà con nông dân Lâm Đồng đã đưa vào thâm canh nhiều giống chè chất lượng cao (như: Kim Tuyên, Tứ Quý, Thúy ngọc v.v.). Cùng với đó, các giải pháp chế biến cũng được ưu tiên triển khai. Tính đến thời điểm này, toàn tỉnh Lâm Đồng có 167 công ty chế biến chè với quy mô gần 38.600 tấn thành phẩm/năm... Những giải pháp trên đã góp phân nâng cao chất lượng chè Lâm Đồng.
Những tuần gần đây, do độ ẩm trong đất và trong không khí tăng cao, nhiều thời điểm còn có sương mù…, nên các loại sâu bệnh gây hại cây chè diễn biến khá phức tạp. Chỉ tính trong tuần qua, gần 1.900 ha chè tại 2 huyện Bảo Lâm, Lâm Hà và Tp Bảo Lộc bị bọ xít muỗi gây hại và 1.490ha bị thối búp. Các đối tượng khác, như: rầy xanh, bọ cánh tơ, … cũng đã xuất hiện rải rác trong vườn.
Thời điểm này, bà con cần áp dụng các biện pháp tổng hợp: cày bừa diệt cỏ, vệ sinh đồi chè, lấp đất diệt nhộng, diệt mầm bệnh; bón phân hợp lý, thay đổi thời kỳ đốn, hái chạy non để loại bỏ trứng sâu, mầm bệnh. Trồng cây bóng mát với loại thích hợp và có mật độ đảm bảo độ ẩm cho cây chè. Hạn chế đến mức thấp nhất thuốc hoá học để đảm bảo duy trì các loại thiên địch có ích, cân bằng sinh thái cho vườn chè. Phun thuốc theo dự tính, dự báo khi có sâu non hoặc khi chè mới bị bệnh. Dùng thuốc đúng chỉ dẫn về loại, liều lượng dùng đối với các đối tượng sâu, bệnh hại. Thời gian cách ly đảm bảo ít nhất 10 – 15 ngày mới được thu hái đọt chè.
Thực hiện: Anh Vũ