(Lamdongtv.vn) - Dâu tây là loại cây đặc sản thế mạnh của thành phố Dalat (Lâm Đồng). Bên cạnh việc trồng dâu tây lấy trái cung cấp cho thị trường, nhiều nông hộ ở Lâm Đồng còn trồng dâu tây theo quy trình công nghệ cao hết sức hoàn thiện để kết hợp làm du lịch canh nông
THỰC TRẠNG VÀ GIẢI PHÁP TRIỂN KHAI
Bình quân mỗi năm, nông dân Lâm Đồng trồng từ 120 đến 130 ha, sản lượng đạt trên 1.500 tấn/năm. Hiện, bên cạnh thành phố Dalat là địa phương trồng dâu tây chủ lực, thì tại một số địa bàn lân cận (thuộc huyện Lạc Dương), ND cũng đã đầu tư, phát triển cây dâu ngày một nhiều. Trong đó, ngoài những giống dâu địa canh, bà con nông dân còn đưa vào sử dụng nhiều giống dâu có xuất xứ từ nhiều quốc gia trên thế giới (như: Mỹ, Nhật, Hàn Quốc v.v.). Đó là những loại dâu giống mới, nên phần lớn được canh tác trên giá thể, trồng trên giàn với quy trình SX công nghệ cao hoàn thiện. Với kinh nghiệm thực tiễn và kỹ thuật canh tác được bà con ND cập nhật thường xuyên, nên dâu tây mang thương hiệu Dalat luôn vượt trội.
Tuy nhiên, thời tiết diễn biến phức tạp: những tuần gần đây, lượng mưa đã giảm nhưng biên độ nhiệt trong ngày thay đổi lớn... đã ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển của cậy dâu tây – nhất là với những diện tích canh tác ngoài trời, tình trạng bị đối đen, đốm đỏ, mốc xám, phấn trắng, đen rễ… tương đối phổ biến.
Trong thời điểm giao mùa hiện nay, bà con nông dân cần áp dụng giải pháp quản lý dịch hại tổng hợp – IPM. Theo đó, ngoài việc vệ sinh vườn sạch sẽ, cắt tỉa lá già úa tiêu hủy, bà con nên bón phân cân đối và hợp lý, tăng cường sử dụng phân hữu cơ sinh học, vi sinh. Chăm sóc theo nhu cầu của cây. Thường xuyên kiểm tra vườn phát hiện và kịp thời có biện pháp quản lý thích hợp đối với các loại sâu, bệnh. Trong quá trình sản xuất, bà con cần ghi chép nhật ký mùa vụ, hạn chế sử dụng các loại thuốc hóa học có độ độc cao để bảo vệ các loài ong ký sinh. Ưu tiên sử dụng các thuốc sinh học (thuốc vi sinh và thảo mộc) v.v.
Thực hiện: Anh Vũ