(Lamdongtv.vn) - Lâm Đồng có điều kiện tự nhiên thuận lợi để phát triển nhiều loài dược liệu có giá trị. Bên cạnh đó, các điều kiện về khoa học công nghệ và thị trường tiêu thụ cũng đang rộng mở cho loại cây trồng này
Toàn tỉnh Lâm Đồng hiện có 375 ha dược liệu trồng trên đất nông nghiệp chủ yếu được trồng thuần. Trong đó, có khoản 1 ha diệp hạ châu tại Cát Tiên và 10 ha atiso tại Đà Lạt, Lạc Dương có chứng nhận đạt tiêu chuẩn GACP-WHO. Lâm Đồng đã xác định được danh mục các loài dược liệu hiện có trên địa bàn, đồng thời đã có nhiều nghiên cứu về các loài dược liệu như sâm Langbiang; sâm Ngọc Linh, nấm linh chi, trà hoa vàng, lan gấm, atiso... là những cơ sở khoa học để định hướng tổ chức bảo tồn, khai thác và nuôi trồng dược liệu.
Người nông dân của tỉnh Lâm Đồng có nhiều kinh nghiệm trong sản xuất, phát triển sản xuất, nuôi trồng các loại dược liệu quý hiếm bằng công nghệ nuôi cấy trong phòng thí nghiệm (Đông trùng hạ thảo,...) Mặt khác,thị trường tiêu thụ dược liệu và các sản phẩm có nguồn gốc từ dược liệu rất lớn do thói quen và truyền thống phòng và chữa bệnh bằng y học cổ truyền là thế mạnh để Lâm Đồng phát triển dược liệu địa phương. Các chuyên gia cũng nhận định cùng với quá trình công nghiệp hóa, rất nhiều dược liệu đã trở thành nguyên liệu đầu vào của Công nghiệp dược và có nhu cầu xuất khẩu cao làm gia tăng nhu cầu sử dụng dược liệu trong đời sống.
Mai An