(Lamdongtv.vn) - Sản xuất nông nghiệp đang gặp phải thách thức kép khi phải chịu sự tác động của đại dịch Covid 19 khiến đầu ra bấp bênh; trong lúc đó giá cả hầu hết các loại vật tư nông nghiệp đang tăng cao nhất là phân bón và thuốc bảo vệ thực vật
Điều này đòi hỏi nông hộ, doanh nghiệp phải có phương án sản xuất phù hợp nhằm ổn định hiệu quả canh tác. Vậy lời giải nào cho bài toán trên?
Anh Đặng Hồng Quân xã Tân Hà, huyện Lâm Hà bắt đầu chuyển sang trồng ớt ngọt trong nhà kính 2 năm nay, nhưng cũng từng ấy thời gian ớt rớt giá chiếm phần nhiều hơn thời điểm được giá. Trong khi khoản đầu tư nhà kính và hệ thống tưới của gia đình anh đang vay ngân hàng vẫn chưa thể hoàn trả thì anh Quân càng thêm lo lắng khi giá vật tư nông nghiệp tăng cao.
Còn đối với Anh Ka Sờn - Thị trấn Lạc Dương huyện Lạc Dương đang trồng hoa hồng này thì việc tăng giá thuốc bảo vệ thực vật đang là nỗi lo của gia đình anh. Bởi để hoa hồng có thể phát triển khỏe mạnh thì trung bình 4 ngày 1 lần anh phải bơm thuốc cho hoa và việc này chiếm một phần chi phí không nhỏ trong tổng chi phí đầu tư.
Để giảm bớt những khó khăn trong sản xuất ở thời kỳ vật giá leo thang, ngành chức năng khuyến khích người dân sản xuất theo chuỗi giá trị khép kín từ cung ứng vật tư đầu và bao tiêu sản phẩm đầu ra. Trong đó các HTX nông nghiệp đang làm rất tốt hoạt động này. Theo đó, các thanh viên HTX được cung ứng phân bón, cây giống với hình thức trả chậm với giá gốc và chất lượng hoặc vay vốn lãi suất thấp đảm bảo để đầu tư sản xuất.
Ngoài ra, tại HTX Phụ nữ trùn quế huyện Đơn Dương, đã chuyển giao công nghệ hướng dẫn nông hộ tự ủ phân từ phế phẩm nông nghiệp để chủ động phân bón. Đồng thời, các cấp hội nông dân cũng kết nối với các tổ chức tín dụng cho nông dân vay vốn ủy thác và các đơn vị sản xuất vật tư nông nghiệp cung cấp đến bà con những sản phẩm chất lượng. Chỉ tính riêng trong năm 2021, Các cấp Hội trong tỉnh tiếp tục ký nhận ủy thác với Ngân hàng CSXH cho hơn 30 ngàn hội viên, nông dân vay vốn với tổng dư nợ hơn 1.200 tỷ đồng; Thực hiện chương trình tín chấp mua hơn 621 tấn phân bón trả chậm trị giá trên 4,8 tỷ đồng.
Trước tình hình giá vật tư nông nghiệp nhất là phân bón tăng cao, Sở nông nghiệp PTNT Lâm Đồng đã có văn bản về việc tăng cường quản lý việc kinh doanh, sử dụng phân bón trong đó nêu rõ ngành chức năng và các địa phương cần tăng cường tuyên truyền, tập huấn cho nông dân về vai trò, tác dụng của các loại phân bón, hướng dẫn bón phân cân đối, hợp lý theo nguyên tắc 5 đúng, tránh lãng phí; khuyến khích nông dân tự sản xuất phân hữu cơ bằng phế phẩm nông nghiệp kết hợp phân chuồng với các loại men vi sinh. Nông dân nên mua phân bón tại các cửa hàng buôn bán vật tư nông nghiệp có uy tín để hạn chế tình trạng mua phải phân bón không rõ nguồn gốc, kém chất lượng. Mặt khác hỗ trợ doanh nghiệp buôn bán VTNN tháo gỡ khó khăn trong vận chuyển cung ứng phân bón, thuốc BVTV cho nông dân nhằm bình ổn và giảm giá thành sản phẩm đồng thời tăng cường nắm bắt thông tin, tổ chức thanh kiểm tra định kỳ, đột xuất việc buôn bán phân bón trên địa bàn, lấy mẫu kiểm tra chất lượng các loại phân bón để phát hiện và xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm theo đúng quy định của pháp luật.
Rõ ràng sản xuất nông nghiệp đang gặp không ít thách thức do bối cảnh thị trường mang lại. Để có thể thích ứng trong điều kiện mới đòi hỏi người nông dân phải áp dụng các giải pháp linh hoạt trong đó một mặt phải giảm chi phí đầu tư nhưng phải tăng giá trị nông sản và con đường bền vững nhất là hạn chế sản xuất nhỏ lẻ manh mún, hướng đến một nền nông nghiệp sản xuất theo chuỗi có cung ứng vật tư đầu vào lẫn bao tiêu sản phẩm đầu ra khép kín. Ngành chức năng cũng cần có giải pháp hữu hiệu hỗ trợ nông dân, doanh nghiệp ổn định sản xuất. Có như vậy nông sản Lâm Đồng mới càng đứng vững, khẳng định giá trị trong môi trường ngày càng tranh gay gắt.
Mai An