(Lamdongtv.vn) - Nhiều nhà vườn trồng các loại rau họ thập tự (gồm: sú, lơ, cải thảo v.v.) trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đang tập trung canh tác vụ cuối năm, nhằm cung ứng cho thị trường những mặt hàng nông sản chất lượng đảm bảo
Hiện đang là những tháng mùa khô, nhưng những ngày gần đây, thời tiết tại một số khu vực trong tỉnh xuất hiện mưa trái mùa, biên độ nhiệt trong ngày nhiều thời điểm xuống thấp... Điều đó đã làm ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển của nhiều loại cây trồng. Nhiều đối tượng sâu bệnh bùng phát và gây hại cây rau họ thập tự.
THỰC TRẠNG VÀ GIẢI PHÁP TRIỂN KHAI
Họ thập tự (gồm: sú, lơ, cải thảo v.v.) là nhóm cây trồng được canh tác phổ biến tại những khu vực chuyên canh các loại rau, củ, quả trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng. Thời điểm này, toàn tỉnh có gần 2.000 ha rau họ thập tự. Đây là nhóm cây trồng ngắn ngày, với thời gian canh tác trên vườn tương đối ngắn: dao động từ 3 đến 4 tháng, nên nông dân thường xen canh rau họ thập tự với nhiều loại rau, củ, quả khác, nhằm thuận tiện trong việc tìm đầu ra và luân canh cây trồng khác họ. Cùng với đó, nhiều giải pháp đầu tư, chăm sóc theo quy trình công nghệ cao đã được nhà nông đẩy mạnh. Hiện, bình quân mỗi sào đất, bà con nông dân trồng 4.000 cây cải thảo, và từ 5.500 đến 6.000 cây sú… Năng suất mỗi cây cải thảo đạt bình quân 1,2 kg; còn cây sú đạt từ 1,5 đến 2 ký/cây…
Những ngày gần đây, tại nhiều địa phương trong tỉnh, đặc biệt là những địa phương chuyên canh các loại rau, củ, quả trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, độ ẩm trong đất và trong không khí khá cao. Một số thời điểm còn xuất hiện sương mù và mưa trái mùa… Các loại rau họ thập tự lại là nhóm cây trồng được canh tác chủ yếu ngoài trời, nên hình thái thời tiết nói trên đã tạo điều kiện thuận lợi cho các đối tượng sâu bệnh gây hại bùng phát, làm ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng và phát triển của cây trồng. Chỉ tính trong tuần qua, gần 450 ha cây trồng họ thập tự tại Tp.Dalat và các huyện: Lạc Dương, Đơn Dương, Đức Trọng… bị sâu tơ gây hại; gần 70 ha bị sưng rễ do tuyến trùng…
Thời điểm này, bà con nông dân nên thường xuyên thăm vườn, tuyệt đối không để bị đọng nước trong vườn. Cần tăng cường phân bón hữu cơ hoai mục, phân hữu cơ sinh học. Đặc biệt lưu ý, phải giảm lượng phân đạm, bổ sung thêm phân lân và kali… Bà con nên đẩy mạnh áp dụng giải pháp phòng trừ tổng hợp - IPM. Nếu phải sử dụng các loại thuốc BVTV, bà con cần sử dụng theo phương pháp “4 đúng” (tức là Đúng thuốc - Đúng liều - Đúng lúc - Đúng cách).
Thực hiện: Anh Vũ