(Lamdongtv.vn) - Tại TP. Đà Lạt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức hội thảo xúc tiến đầu từ nhằm thu hút doanh nghiệp phát triển chuỗi giá trị rau, hoa, quả tại Tây Nguyên .
Tại TP. Đà Lạt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức hội thảo xúc tiến đầu từ nhằm thu hút doanh nghiệp phát triển chuỗi giá trị rau, hoa, quả tại Tây Nguyên với sự tham gia đại diện các sở ngành, các nhà khoa học, các doanh nghiệp của 9 tỉnh miền Trung và Tây Nguyên.Trong giai đoạn 2015 – 2019, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) đã có các các giải pháp, chính sách cải thiện môi trường kinh doanh và hỗ tranh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp. Trong đó chú trọng đổi mới công tác kiểm tra chuyên ngành; cắt giảm 24% thủ tục hành chính (TTHC), đơn giản hóa các quy định về điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp, rút ngắn thời gian và giảm chi phí thực hiện giao dịch nông, lâm, thủy sản và vật tư nông nghiệp qua biên giới. Bãi bỏ, sửa đổi theo hướng đơn giản hóa 251 điều kiện kinh doanh, trong đó bãi bỏ 115 điều kiện kinh doanh; 136 điều kiện kinh doanh đã được đơn giản hóa (tỷ lệ cắt giảm: 72.7%).
Ngành chức năng cũng đã xây dựng và tổ chức thực hiện cơ chế chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp; hỗ trợ doanh nghiệp thông qua đào tạo. Đồng thời đẩy mạnh tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, tạo cơ hội cho doanh nghiệp tư nhân phát triển; đổi mới công tác thanh tra chuyên ngành, kịp thời chấn chỉnh các hành vi trái pháp luật của cơ quan quản lý và cán bộ công chức; công khai hóa thủ tục hành chính đã chuẩn hóa; minh bạch hóa trong xây dựng chính sách của ngành cùng với việc tiếp nhận và giải quyết kịp thời kiến nghị của doanh nghiệp.
Tại Lâm Đồng đã có Quy hoạch các Khu sản xuất nông nghiệp công nghệ cao để thu hút các nhà đầu tư; Hình thành các vùng nguyên liệu tập trung và đã thu hút được 77 doanh nghiệp FDI và trên 1.400 doanh nghiệp trong nước đầu tư vào nông nghiệp. Địa phương thực hiện tốt các chính sách ưu đãi thu hút đầu tư với các chính sách ưu đãi đặc biệt cho các dự án đầu tư vào lĩnh vực sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và chế biến nông sản, hình thành 125 chuỗi liên kết giá trị từ sản xuất, sơ chế, chế biến đến tiêu thụ. Đồng thời xây dựng thương hiệu chung cho các loại nông sản chủ lực của tỉnh thông qua đó giúp các doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp trên địa bàn củng cố và mở rộng thị trường.
Tại hội thảo, các đại biểu đã cùng nhau thảo luận và đưa ra các giải pháp nhằm thu hút doanh nghiệp phát triển chuỗi giá trị rau hoa tại Tây Nguyên như: Đẩy mạnh đổi mới công tác kiểm tra chuyên ngành; Giảm bớt các điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp;Tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là khu vực kinh tế tư nhân; Nâng cao hiệu quả công tác phòng chống tham nhũng, giảm thiểu các hiện tượng tiêu cực. Từ đó phấn đấu hoàn thành mục tiêu đứng top 4 về lực cạnh tranh ngành nông và top 5 về đổi mới sáng tạo ngành nông nghiệp trong khối ASEAN.
Mai An