(Lamdongtv.vn) - Trong tuần qua, tại Đạ Tẻh, 100ha lúa bị rầy nâu gây hại với mật độ 1.500 – 1.640 con/m2. Bệnh đạo ôn lá nhiễm 100ha tại Đạ Tẻh (tăng 75ha so với kỳ trước). Bệnh đạo ôn cổ bông nhiễm 24ha tại Di Linh (8ha nhiễm nặng), tỷ lệ hại dao động từ 10 đến 20%
GIẢI PHÁP CẦN TRIỂN KHAI
Theo cơ quan chức năng dự báo, mấy ngày tới, thời tiết khu vực 3 huyện phía Nam nóng ẩm, thuận lợi cho rầy nâu, bệnh đạo ôn lá, đạo ôn cổ bông phát triển mạnh. Bà con nông dân nên tăng cường thăm đồng thường xuyên để phát hiện và phòng trừ kịp thời.
Đặc biệt với bệnh đạo ôn, bà con cần:
- Sử dụng giống kháng bệnh hoặc ít nhiễm để gieo trồng.
- Xử lý hạt giống trước khi gieo sạ.
- Trước khi gieo trồng, vệ sinh đồng ruộng, dọn sạch tàn dư cây bệnh vụ trước (trục và dìm kỹ gốc rạ), dọn sạch cỏ dại quanh bờ...
- Không gieo sạ quá dày để cây lúa được khỏe mạnh, kháng được bệnh (áp dụng theo lượng giống khuyến cáo của chương trình IPM, khoảng 120kg/ha, nếu sạ hàng thì lượng giống còn ít hơn).
- Bón phân cân đối hợp lý, không bón thừa đạm, nên sử dụng phân bón theo bảng so màu lá lúa. (khi lúa bị thừa đạm, lá có màu xanh đậm và phiến lá sẽ không đứng thẳng mà nằm ngang).
- Khi điều kiện thời tiết phù hợp cho bệnh phát sinh, phát triển (như đã nêu ở trên), thì chủ động phòng ngừa trước như hạn chế phân đạm, tăng cường phân kali. Có thể chủ động phun thuốc phòng ngừa trước nếu ruộng được gieo sạ dày bằng giống nhiễm và đã bị dư đạm.
- Theo dõi ruộng thường xuyên, nhất là những giai đoạn cây lúa mẫn cảm với bệnh (từ giai đoạn lúa con gái đến đòng trổ). Khi thấy bệnh chớm xuất hiện trên đồng thì ngừng sử dụng phân đạm và cần phun hoặc rải một trong các loại thuốc đặc trị.
Thực hiện: Anh Vũ