Tin tức

Quảng Nam: Bảo tồn phát triển Sâm Ngọc Linh

Thứ tư, 09/02/2022 - 20:25

Cây sâm Ngọc Linh, còn được gọi với các tên sâm K5, sâm đốt trúc hay cây thuốc giấu.. là dược liệu quý hiếm của tỉnh Quảng Nam và của quốc gia. Quốc bảo Sâm Ngọc Linh được xếp vào nhóm một trong bốn cây sâm quý nhất trên thế giới.

Tập trung nghiên cứu khoa học, quản lý tốt dịch hại, làm chủ kỹ thuật gieo ươm, tăng năng lực sản xuất giống cũng như chú trọng công tác quản lý bảo vệ rừng là những nhiệm vụ đang được Trung tâm Phát triển sâm Ngọc Linh và Dược liệu Quảng Nam đẩy mạnh thực hiện và đạt được nhiều kết quả nổi bật trong những năm qua.
Giữa năm 2015, Trung tâm Phát triển sâm Ngọc Linh và Dược liệu Quảng Nam được chuyển giao từ đơn vị quản lý là Sở Y tế sang trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh. Vượt qua những giai đoạn đầu đầy khó khăn, thách thức, Trung tâm ngày càng khẳng định là đơn vị đi đầu trong công tác nghiên cứu, bảo tồn, nhân giống và chuyển giao kỹ thuật trồng, chăm sóc cây sâm cho người dân và doanh nghiệp thuê môi trường rừng để trồng sâm. Tập trung nghiên cứu, ứng dụng khoa học trong nhân giống, phòng trừ sâu bệnh, chọn giá thể, xây dựng những nhà có mái che gieo ươm đã giúp Trung tâm đưa tỷ lệ cây sống chỉ đạt 19% lên đạt khoảng 60% hiện nay.

Công việc của 16 cán bộ, nhân viên, người lao động của Trạm Dược liệu Trà Linh, thuộc Trung tâm Phát triển sâm Ngọc Linh và Dược liệu Quảng Nam ngày thường vốn đã vất vả do vùng trồng sâm rộng, địa hình hiểm trở, thời tiết khắc nghiệt thì công việc vào mùa thu hái hạt sâm chín càng thêm vất vả hơn. Thời gian thu hái hạt từ tháng 7 đến tháng 9 hằng năm cũng là thời gian để ươm trồng cây con. Thời điểm này, anh em nhân viên phải chia ca kíp tuần tra ngay cả ban đêm để phát hiện, xử lý những nguy cơ đe doạ đến vườn sâm. Bên cạnh đó, do hạt sâm chín lai rai nên việc thu hoạch cũng kéo dài theo. Hạt sau khi thu hoạch nếu đảm bảo sẽ được gấp rút gieo trồng ngay để kịp thời vụ.

Trung tâm Phát triển Sâm Ngọc Linh và dược liệu Quảng Nam hiện quản lý khoảng 250.000 cây sâm giống gốc. Hằng năm, đơn vị sản xuất gần 50.000 cây giống để cung ứng cho người dân và doanh nghiệp. Cùng với việc nâng cao năng lực sản xuất cây giống, cung cấp cho thị trường những cây giống chất lượng thì công tác quản lý bảo vệ rừng luôn là nhiệm vụ được trung tâm đặt lên hàng đầu. Nếu làm tốt nhiệm vụ này không những giúp quản lý, bảo vệ tốt rừng đầu nguồn mà nó còn tạo nên những tán rừng để từ đó có thể mở rộng thêm diện tích vùng trồng sâm. 
Phòng Thời sự
Đài PTTH Lâm Đồng

Thích và chia sẻ bài viết qua

Nhập bình luận của bạn:

Ý kiến bạn đọc (0)

Quảng cáo trang nội dung, cột giữa