(Lamdongtv.vn) - Cây rau họ thập tự (gồm: sú, lơ, cải thảo v.v.) là nhóm cây trồng được canh tác phổ biến tại những khu vực chuyên canh các loại rau, củ, quả trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng
Hiện đang là những tháng mùa khô, nhưng những tuần gần đây, thời tiết tại một số khu vực trong tỉnh xuất hiện một số cơn mưa, biên độ nhiệt trong ngày nhiều thời điểm xuống thấp... Điều đó đã làm ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển của nhóm cây trồng họ thập tự.
THỰC TRẠNG VÀ GIẢI PHÁP TRIỂN KHAI
Bình quân mỗi năm, Nông dân Lâm Đồng trồng trên 60.000 ha cây trồng họ thập tự. Riêng trong thời điểm này, diện tích rau họ thập tự là gần 1.800 ha. Đây là nhóm cây trồng có thời gian canh tác trên vườn tương đối ngắn: từ 3,5 đến 4 tháng/vụ. Để thuận tiện trong việc tìm kếm đầu ra và hạn chế dịch bệnh có thể lây lan từ vụ trước sang vụ sau, bà con ND thường luân canh cây trồng họ thập tự với các loại rau ngắn ngày khác. Bên cạnh đó, trong giai đoạn đầu, nhiều nhà vườn còn trồng xen các loại rau mùi trong vườn để vừa có thêm thu nhập, vừa có thể xua đuổi các loại côn trùng chích hút trong vườn rau.
Tuy nhiên, do nhóm rau họ thập tự phần lớn được canh tác ngoài trời hoặc trong nhà lưới, nên rất dễ bị các loại sâu bệnh gây hại. Mà, phổ biến nhất vẫn là sưng rễ, sâu tơ, cháy lá v.v. Chỉ tính trong tuần qua, gần 440 ha rau họ thập tự tại Tp.Đà Lạt và các huyện: Lạc Dương, Đơn Dương, Đức Trọng bị các đối tượng nói trên gây hại. Nếu không được quản lý kịp thời, mẫu mã, năng suất và chất lượng rau bị giảm sút.
Tại Lâm Đồng, rau họ thập tự được trồng quanh năm. Dẫu vậy, để cây sinh trưởng và phát triển đảm bảo, cho chất lượng nông sản vượt trội, vấn đề đầu tiên mà nhà nông cần quan tâm, đó là: Chọn cây khoẻ, đồng đều, không biểu hiện nhiễm sâu, bệnh. Một tuần sau khi trồng, bà con cần kiểm tra vườn và trồng dặm những cây yếu, cây chết để đảm bảo mật độ. Sử dụng nguồn nước không bị ô nhiễm, nước giếng khoan, nước suối đầu nguồn, không sử dụng nước thải, nước ao tù, ứ đọng lâu ngày. Cây họ thập tự ưa ẩm, nhưng không chịu được ngập úng. Do vậy, cần cung cấp lượng nước vừa đủ, tránh ngập úng gốc sẽ làm ảnh hưởng đến rễ. Tưới nước 1 lần/ngày kết hợp bón phân thời điểm thích hợp. Lượng phân cho 1 ha/vụ như sau: Phân chuồng hoai mục: 30-40m3; phân hữu cơ vi sinh: 1.000kg; Vôi bột: 1.000-1.500kg; Phân vô cơ N-P-K nguyên chất: 70kg N-50kg P2O5-60kg K2O. Đổi lượng phân hóa học nguyên chất: Ure bón 152kg; super lân: 312kg; KCl: 100kg... Thường xuyên thăm văn để kịp thời quản lý các loại sâu bệnh hại. Sử dụng thuốc BVTV theo nguyên tắc ”4 đúng” (tức là: đúng thuốc, đúng nồng độ - liều lượng, đúng lúc và đúng cách)…
Thực hiện: Anh Vũ