(Lamdongtv.vn) - Trong nhóm cây trồng họ cà (gồm: cà chua, khoai tây, ớt v.v.), thì cà chua có diện tích lớn nhất hiện nay. Thời điểm này là những tháng mùa khô, nhưng nhiều tuần gần đây, tại nhiều khu vực trong tỉnh xuất hiện một số cơn mưa trái mùa
Ngoài việc giúp bà con nông dân chủ động nguồn nước tưới, thì hình thái thời tiết nói trên còn tạo những điều kiện thuận lợi cho các loại nấm bệnh gây hại cây cà chua.
THỰC TRẠNG VÀ GIẢI PHÁP TRIỂN KHAI
Thời điểm này, ND Lâm Đồng đang trồng 1.300 ha cà chua. Phần lớn diện tích nói trên được canh tác trong nhà lưới hoặc ngoài trời.
Khác với nhiều địa phương trong cả nước, cà chua được trồng tại Lâm Đồng gần như quanh năm, với quy trình SX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được áp dụng tương đối hoàn thiện. Thông thường, sau từ 1 tháng rưỡi đến 2 tháng đầu tư, chăm sóc, cây cà chua bước vào giai đoạn kinh doanh (kéo dài trong khoảng 1 tháng rưỡi); năng suất bình quân đạt dao động từ 2,5 đến 3 kg/cây.
Tại nhiều nông hộ, cà chua được trồng chuyên canh. Bởi vậy, nấm bệnh tồn dư trong đất tương đối nhiều. Cộng với đó là thời tiết biến đổi thất thường trong những tuần gần đây đã ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển của cây trồng; một số loại sâu bệnh bùng phát mạnh. Chỉ tính trong tuần qua, tại 2 huyện Đơn Dương, Đức Trọng có gần 250 ha cà chua bị xoăn lá và trên 120 ha bị mốc sương; tỷ lệ hại dao động từ 7 đến 23%.
Thời điểm này, bà con cần cần thường xuyên thăm vườn, không để vườn cà chua bị ứ đọng nước lâu rất dễ làm ảnh hưởng đến bộ rễ; Tập trung tỉa bớt lá già để vườn được thông thoáng. Tùy vào từng giai đoạn sinh trưởng, phát triển của cây cà chua mà có kế hoạch bón phân đầy đủ và cân đối để giúp cây trồng nâng cao sức chống chịu với các loại sâu bệnh gây hại. Cà chua loại loại cây ngắn ngày, nên bà con cần ưu tiên áp dụng giải pháp luân canh. Song song đó, tăng cường canh tác theo hướng hữu cơ để cung cấp một lượng hữu cơ tự nhiêu cho đất, vừa hạn chế tình trạng đất bị chai cứng bạc màu, vừa nâng cao chất lượng nông sản.
Thực hiện: Anh Vũ