(Lamdongtv.vn) - Những tuần gần đây, tại nhiều khu vực trồng cà phê trong tỉnh đã có mưa. Do độ ẩm trong đất và trong không khí tăng cao, nên tại một số khu vực, cây cà phê bị các loại sâu bệnh gây hại tương đối phổ biến. Bởi vậy, bà con nông dân cần có giải pháp đầu tư, chăm sóc cây cà phê khoa học
THỰC TRẠNG VÀ GIẢI PHÁP TRIỂN KHAI
Mặc dù có những giai đoạn thăng trầm, nhưng nhìn một cách tổng thể thì cà phê hiện vẫn là loại cây trồng mang lại nguồn thu chủ lực cho nhiều nông hộ trong tỉnh. Niên vụ 2022-2023, diện tích cà phê ở Lâm Đồng là gần 173.000 ha; phần lớn trong giai đoạn nuôi trái. Năm nay, do giá cà phê vối nhân xô tiếp tục ổn định (dao động từ 39.000 đến 40.000 đồng/kg cà phê vối nhân xô), nên bà con nông dân khu vực chuyên canh tăng cường đẩy mạnh đầu tư theo hướng hữu cơ. Cùng với đó, bà con nông dân tái canh những diện tích cà phê già cỗi và tiếp tục xen canh nhiều loại cây trồng trong vườn để ổn định thu nhập.
Mùa này, phần lớn diện tích cà phê trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đang trong giai đoạn nuôi trái. Những tuần gần đây, tại nhiều địa phương trong tỉnh có mưa, đã giúp bà con nông dân chủ động tưới nước cho cây cà phê. Trong thời điểm giá xăng dầu tăng cao như hiện nay, mưa tại những khu vực trồng cà phê đã giúp nông nghiệp giảm chi phí đầu tư.
Tuy nhiên, bên cạnh thuận lợi nói trên thì mưa xuống, nhiều loại sâu bệnh gây hại nhiều vườn cà phê. Theo ghi nhận từ các địa phương, chỉ tính trong tuần qua, gần 8.000 ha cà phê bị khô cành, rỉ sắt,... Đặc biệt là tại thành phố Đà Lạt và huyện Lạc Dương, những tuần gần đây có mưa chiều, nên nhiều diện tích cà phê bị bọ xít muỗi gây hại, với tỷ lệ hại dao động từ 15 đến gần 25%. Bên cạnh đó, nhiều diện tích cà phê bị tuyến trùng, nấm bệnh…
Giai đoạn này, bà con cần tỉa chồi vượt, nhằm đảm bảo cho cây cà phê không bị cạnh tranh dinh dưỡng. Song song đó, tùy theo thực trạng của mỗi vườn trồng mà bà con có giải pháp bón phân hợp lý. Việc cung cấp một lượng dinh dưỡng thông qua các loại phân bón vừa đủ trong giai đoạn này sẽ giúp cây trồng sinh trưởng khỏe, tăng khả năng chống chịu với điều kiện bất lợi của thời tiết, giảm tỷ lệ rụng trái, góp phần nâng cao năng suất cà phê. Bà con nên dùng phân bón có chứa đầy đủ các chất đa, trung vi lượng phù hợp cho yêu cầu sinh lý dinh dưỡng của cây cà phê giai đoạn này, với liều lượng từ 300 – 500 kg/ha, bón 2 lần, mỗi lần cách nhau 1 tháng. Thường xuyên thăm vườn để kịp thời phát hiện và có giải pháp quản ý sâu bệnh hại hiệu quả.
Thực hiện: Anh Vũ