(Lamdongtv.vn) - UBND huyện Lạc Dương và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng tổ chức hội thảo bàn về các giải pháp phát triển nông nghiêp hữu cơ, nông nghiệp thông minh (NNHC, NNTM)
Ông Phạm S – PCT UBND tỉnh Lâm Đồng cùng đại diện các sở ngành liên quan và các cá nhân, đơn vị hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn huyện Lạc Dương đã tham dự.
Hiện nay, Lạc Dương có 8.400ha sản xuất nông nghiệp trong đó có có hơn 1000 ha sản xuất trong nhà kính. Thu nhập bình quân đạt gần 316 triệu đồng/1ha, riêng sản xuất trong nhà kính đạt gần 1 tỷ đồng/1ha. Lạc Dương có 2 đơn vị được công nhận sản xuất NNHC là HTX tổng hợp Minh Thọ Organic và công ty TNHH Jan’S. Huyện có tiềm năng, lợi thế, trong phát triển nông nghiệp không hóa chất như: tốc độ phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao khá nhanh, nông dân tiếp thu nhanh công nghệ mới, đất đai rộng lớn và đã có 4 khu, 1 vùng được quy hoạch nông nghiệp công nghệ cao..
Trên địa bàn Lâm Đồng, mặc dù là địa phương đa dạng về chủng loại cây trồng, vật nuôi, có quy mô diện tích sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao lớn nhưng đến nay Lâm Đồng mới chỉ có hơn 105 ha sản xuất nông nghiệp hữu cơ được chứng nhận, chiếm khoảng 0,187% tổng diện tích sản xuất nông nghiệp theo các tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm. Trên lĩnh vực chăn nuôi có 2.000 con bò sữa, sản lượng 5.200 tấn sữa tại huyện Đơn Dương và huyện Di Linh. Trong lúc đó, thị trường tiêu thụ các nông sản hữu cơ là rất tiềm năng. Trên cơ sở thực hiện các mục tiêu của đề án NNHC, ngành nông nghiệp Lâm Đồng đã triển khai chương trình hỗ trợ như: Điều tra, khảo sát đánh giá hiện trạng sản xuất hữu cơ; xác định các vùng, khu vực đủ điều kiện sản xuất hữu cơ trên địa bàn tỉnh, xây dựng quy trình sản xuất hữu cơ, đào tạo, tập huấn, chuyển giao các quy trình sản xuất, hỗ trợ cấp giấy chứng nhận nhân rộng mô hình, xây dựng thương hiệu và xúc tiến thương mại sản phẩm hữu cơ.
Tại hội nghị, các đại biểu đã phân tích một số thách thức như trong phát triển NNHC, NNTM tại Lạc Dương như: Chưa có quy hoạch về sản xuất hữu cơ, Quy mô sản xuất của người nông dân còn nhỏ lẻ, vấn đề ô nhiễm môi trường, đất đai bạc màu, suy giảm đa dạng sinh học; Thị trường tiêu thụ sản phẩm hữu cơ trong nước chưa phổ biến, sản xuất, chế biến NNHC cần vốn đầu tư lớn. Vì vậy để phát triển NNTM, NNHC, trong thời gian tới, Lạc Dương sẽ chuyển giao quy trình sản xuất nông nghiệp hữu cơ;thu hút các doanh nghiệp đầu tư xây dựng 1 nhà máy sơ chế, chế biến cà phê; Nâng cao năng lực, có cơ chế hỗ trợ cho các doanh nghiệp, HTX và nông dân trong sản xuất nông nghiệp hữu cơ về kỹ thuật canh tác đặc biệt là phát triển thương hiệu và liên kết chuỗi trong sản xuất và tiêu thụ.
Dịp này, Tiến Sỹ Phạm S – PCT UBND tỉnh Lâm Đồng đã trao tặng quy trình sản xuất cà phê hữu cơ cho các nông dân, doanh nghiệp, các HTX huyện áp dụng vào thực tế sản xuất.
Mai An