Tin tức

Đẩy mạnh sản xuất gắn với chế biến và tiêu thụ nông sản

Thứ năm, 07/07/2022 - 08:23

(Lamdongtv.vn) - Khi nền sản xuất nông nghiệp đạt đến quy mô và sản lượng lớn thì rất cần các phương án chế biến, tiêu thụ hiệu quả để có thể phát triển bền vững

Theo đó, cần áp dụng những kỹ thuật tiên tiến, thiết bị hiện đại và quy trình sản xuất khép kín từ sản xuất, chế biến, tiêu thụ nhằm nâng cao giá trị sản xuất. Đây chính là định hướng mà người sản xuất và ngành chức năng Lâm Đồng đang hướng tới.
 

 
Đây là kho lạnh trữ chuối sau khi sơ chế của HTX Laba Banana Đạ K’Nàng huyện Đam Rông. Nhờ hệ thống kho lạnh này mà những trái chuối khi đưa ra thị trường trong và ngoài nước đảm bảo chất lượng và đạt về độ già, độ chín của sản phẩm theo yêu cầu khách hàng. Ngoài xuất tươi, đơn vị còn chế biến các sản phẩm khác như chuối sấy giòn, chuối sấy dẻo và bột chuối được thị trường đón nhận tích cực. Nhờ áp dụng hệ thống công nghệ hiện đại vào sản xuất mà trên 260 ha canh tác với sản lượng hơn 9 ngàn tấn chuối mỗi năm luôn có đầu ra ổn định.
 
Hàng năm, Lâm Đồng sản xuất khoảng 2,7 triệu tấn rau, hơn 3 tỷ cành hoa, trên 500 nghìn tấn cà phê, 175 nghìn tấn chè búp tươi, hơn 180 nghìn tấn trái cây và nhiều loại nông sản khác. Tỷ lệ nông sản qua sơ chế, chế biến của tỉnh đạt 75% với gần 500 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, công tác chế biến nông sản ở Lâm Đồng còn gặp nhiều khó khăn do chưa thu hút được các nhà máy có quy mô lớn, chế biến sâu được các nông sản thế mạnh của địa phương nên vẫn còn tình trạng được mùa mất giá, hàng dội chợ. Vì vậy, Lâm Đồng luôn quan tâm công tác thu hút đầu tư, xây dựng hệ thống chế biến nông sản hiệu quả. Điển hình, vừa qua, địa phương đã khởi động thiết lập chuỗi giá trị nông sản thông minh và an toàn theo công nghệ Hàn Quốc. Qua đó sẽ xây dựng trang trại thông minh từ khâu sản xuất đến khâu tiêu thụ đối với 3 loại sản phẩm dâu tây, cà chua cherry, ớt ngọt với hệ thống 16 nhà kính, kho lạnh, cửa hàng; phát triển hệ thống phần mềm điều hành, giám sát canh tác, phân tích dữ liệu hỗ trợ ra quyết định; xây dựng chiến lược tổng thể quốc gia về nông nghiệp thông minh. 

Trong sản xuất nông nghiệp, chế biến đóng vai trò hết sức quan trọng. Ngoài việc đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng - nhất là thị trường xuất khẩu, các sản phẩm chế biến có thời gian bảo quản lâu, giảm được tổn thất. Phát triển công nghệ chế biến, công nghệ bảo quản sau thu hoạch giúp nông sản thâm nhập những thị trường lớn, nhất là khi phần lớn các rào cản thuế quan của nhiều mặt hàng nông sản chế biến được dỡ bỏ theo cam kết trong các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Vì vậy, Lâm Đồng đặt mục tiêu đến năm 2025, tỷ lệ nông sản được sơ chế đạt trên 80%, tỷ lệ nông sản qua chế biến đạt 25% tổng sản lượng, giảm tỷ lệ tổn thất sau thu hoạch xuống dưới 13%... Hiện, nhiều giải pháp tiếp tục được triển khai, nhằm tiếp thêm lực cho hoạt động sơ chế, chế biến nông sản phát triển, đáp ứng ngày càng đa dạng nhu cầu của người tiêu dùng. Chính các giải pháp sơ chế, chế biến đã góp phần rất lớn nâng cao chất lượng và giá trị nhiều mặt hàng nông sản Lâm Đồng. Đó là cơ sở để nông dân các địa phương tham gia chuỗi liên kết sản xuất – cung ứng nông sản hiệu quả và bền vững hơn./.

Mai An

Thích và chia sẻ bài viết qua

Nhập bình luận của bạn:

Ý kiến bạn đọc (0)

Quảng cáo trang nội dung, cột giữa