Tin tức

Nông dân trồng hoa cúc khó khăn trước dịch bệnh

Thứ năm, 28/11/2019 - 09:05

(Lamdongtv.vn) - Hoa cúc là một trong những giống hoa chính làm nên thương hiệu hoa của Đà Lạt. Tuy nhiên, trước những ảnh hưởng của bệnh sọc thân trên cây hoa cúc hoành hành nhiều năm nay, khiến người nông dân ở làng hoa điêu đứng

LamdongTV - Đà Lạt là xứ sở của hoa, trong đó hoa cúc là một trong những giống hoa chính làm nên thương hiệu hoa của Đà Lạt và ở mảnh đất này có một làng hoa chuyên trồng các giống hoa cúc phục vụ thị trường. Đó là làng hoa Thái Phiên phường 12.

Tuy nhiên, trước những ảnh hưởng của bệnh sọc thân trên cây hoa cúc hoành hành nhiều năm nay,  khiến người nông dân ở làng hoa điêu đứng và đe dọa lớn đến sự phát triển làng hoa truyền thống này. Trước những thiệt hại về năng suất và sản  lượng hoa, người dân đang rất cần những biện pháp hữu hiệu để từng bước khôi phục nghề trồng cúc như trước đây.
Đang thu hoạch vườn hoa cúc nhưng anh Bùi Văn Liến ở Làng hoa Thái Phiên – Phường 12 – Tp Đà Lạt không mấy hào hứng bởi giá hoa rẻ và năng suất giảm do bị bệnh sọc thân. Vừa thu hoạch hoa, anh Luyến vừa dọn dẹp vườn để chuẩn bị xuống giống vụ hoa Tết Nguyên Đán Canh Tý nhưng anh Liến cũng không mặn mà bởi anh bởi dịch bệnh như hiện nay. Anh ngao ngán nói: Những người  trồng hoa như chúng tôi hiện nay đang rất nản,  nếu không làm thì bỏ vườn không biết lấy gì mà sống nhưng cứ làm như thế này thì cũng không bõ công sức mình bỏ ra.
Tại làng hoa Thái Phiên nơi nổi tiếng với hoa cúc, người trồng hoa ngao ngán khi phải sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật trị bệnh sọc thân trên cây nhưng không hiệu quả. Theo đó những giống cúc có giá trị cao trước đây như : Kim cương, đại đóa, saphir, xanh thái, vàng thái thì người dân không thể canh tác trở lại, bởi đây là những giống cúc dễ bị nhiễm bệnh sọc thân trên diện rộng gây thiệt hại lớn, thay vào đó, người dân lại tập trung trồng đại trà các giống cúc có sức kháng bệnh cao như : Cúc đóa mới, mai vàng, thạch bích, cúc camelio… Do được trồng với số lượng lớn, không có sự cạnh tranh khiến hoa mất giá, người dân trồng hoa không có lời.
Anh Nguyễn Thanh Hải – Làng hoa Thái Phiên, phường 12, Thành phố Đà Lạt bày tỏ : Bây giờ hoa bị bệnh nên các giống hoa có giá đâu trồng được đâu vì trồng là chết hết nên cả làng hoa tập trung vào trồng hoa đoa mới mà cả làng trồng giống nhau nên có bán được cho ai đâu, người trồng hoa lỗ nặng lắm mà không trồng không biết làm sao. 
Theo thống kê của Chi cục trồng trọt và bảo vệ thực vật  tỉnh Lâm Đồng: Từ đầu năm đến nay vùng hoa cúc toàn thành phố Đà Lạt có 520 ha nhiễm bệnh sọc thân do virus TSWV gây ra và nguy cơ gây hại vẫn còn kéo dài. Trong đó chủ yếu tập trung ở Làng hoa Thái Phiên, Phường 12 Tp Đà Lạt. Đến nay, bệnh sọc thân trên cây hoa cúc được xác định là do chưa có thuốc đặc trị. Ngành chức năng cũng đã đưa ra khuyến cáo, hướng dẫn sử dụng một số thuốc để phòng ngừa, nhưng theo người dân thì biện pháp này vẫn chưa thật sự mang lại hiệu quả. Nông dân vẫn mong các nhà khoa học, các cơ quan chức năng sớm tìm ra giải pháp hữu hiệu để giúp họ ngăn ngừa những virus gây hại trên cây hoa cúc. Bởi, nếu tình trạng này kéo dài sẽ ảnh hưởng rất lớn đến đời sống người dân làng hoa.
Ông Võ Văn Sang  - Phó chủ tịch UBND Phường 12 Tp Đà Lạt cho rằng: Tình trạng người dân chỉ chuyên trồng 1 đến 3 loại hoa cúc như hiện nay khiến hoa mất giá lắm. người dân đang rất khó khăn. Chúng tôi cũng khuyến khích bà con luân chuyên cây trồng và  tăng cường công tác xử lý đất để phần nào hạn chế bệnh trên cây hoa cúc

Dịch bệnh sọc thân đen trên cây hoa cúc diễn ra vài năm trở lại đây. Để hạn chế những thiệt hại do bệnh gây nên, những hộ dân trồng cúc trên địa bàn Đà Lạt cũng thực hiện quy trình sản xuất theo khuyến cáo của các ngành nông nghiệp như nhổ bỏ diện tích hoa bị bênh, xử lý cải tạo đất hay thử nghiệm trồng luân canh các giống hoa khác nhau. Nhưng hơn hết,  họ vẫn mong có được những biện pháp cụ thể và hiệu quả hơn để khôi phục nghề trồng hoa cúc đã từng  tạo nên màu sắc thương hiệu của hoa cúc Đà Lạt./. 
Lô Thanh

Thích và chia sẻ bài viết qua

Nhập bình luận của bạn:

Ý kiến bạn đọc (0)

Quảng cáo trang nội dung, cột giữa OK