(Lamdongtv.vn) - Lúa là một trong những loại cây trồng mang lại nguồn thu chủ lực cho nhiều nông hộ trong tỉnh. Bởi vậy mà nhiều giải pháp đầu tư, SX lúa theo hướng công nghệ cao đã được bà con nông dân và ngành nông nghiệp chú trọng
THỰC TRẠNG VÀ GIẢI PHÁP TRIỂN KHAI
Mùa này, toàn tỉnh Lâm Đồng có gần 8.000 ha lúa. Trong đó, lúa vụ Hè Thu là trên 5.420 ha; số còn lại là những diện tích lúa vụ Mùa và xụ Đông Xuân. Giai đoạn sinh trưởng và phát triển của cây lúa thời điểm này tương đối đa dạng: ngoài 176 ha lúa Đông Xuân đang trong giai đoạn ngậm sữa, chín…, thì phần lớn diện tích còn lại đang trong giai đoạn mạ, đẻ nhánh, đồng-trỗ…
Theo điều tra dự tính dự báo, tuần qua, tại các huyện: Đức Trọng, Đơn Dương, Đạ Huoai, trên 350 ha bị ốc bươu vàng gây hại (tăng trên 260ha so với kỳ trước). Ngoài ra, tại 2 huyện Đạ Huoai và Đạ Tẻh còn có khoảng 300 ha lúa bị chuột phá hoại, đốm sọc, đạo ôn lá… Các đối tượng khác, như rầy nâu, bọ trĩ, sâu cuốn lá nhỏ, bệnh đạo ôn cổ bông, khô vằn,… gây hại nhẹ, rải rác.
Để cây lúa sinh trưởng và phát triển đảm bảo, tùy vào thực tế đồng ruộng và giai đoạn sinh trưởng – phát triển của cây lúa mà nhà nông có giải pháp đầu tư, chăm sóc hợp lý. Nhất là với ốc bươu vàng - đối tượng gây hại đang xuất hiện tại nhiều ruộng lúa trên địa bàn tỉnh LĐ hiện nay, bà con có thể bắt ốc và ổ trứng bằng tay vào sáng sớm hoặc chiều mát. Nên bắt ốc sớm và liên tục từ lúc sạ đến 2, 3 tuần sau. Có thể sử dụng lá khoai, rau muống... dẫn dụ ốc tập trung đến ăn để dễ thu gom. Đánh rãnh thoát nước (25 x 5 cm) cách nhau 10 - 15m trên ruộng để ốc đến sống tập trung trong rảnh, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thu gom bằng tay. Đặt lưới, phên tre chặn mương nước vào ruộng, ngăn ốc xâm nhập và bắt ốc dễ dàng. Nên đặt lưới sớm ngay từ đầu vụ đến khi thu hoạch. Cắm các cọc tre, sậy ở những chỗ ngập nước, mương kênh tưới để thu hút ốc đến đẻ trứng và thu gom dễ dàng. Thả vịt vào ruộng lúa ăn ốc non và trứng ốc, thu lượm ốc bươu vàng trưởng thành để làm thức ăn cho cá, vịt. Điều tiết chế độ nước bằng cách rút nước định kỳ, giữ mực nước thấp 2 - 3 cm nhằm hạn chế ốc di chuyển, phá hại.
Với những diện lúa có mật độ sâu bệnh hại cao, bà con có thể sử dụng các loại thuốc đặc trị. Tuy nhiên, khi phun thuốc, bà con cần tuân thủ theo nguyên tắc 4 đúng: Đúng thuốc, đúng lúc, đúng nồng độ liều lượng và đúng cách để vừa nâng cao hiệu quả sử dụng nông dược, vừa hạn chế tình trạng lãng phí đầu tư.
Thực hiện: Anh Vũ