(Lamdongtv.vn) - Dâu tằm là một lọai cây trồng chủ lực và đem lại nguồn thu nhập cao cho người dân Lâm Đồng. Tuy nhiên, hiện nay dâu tằm đang bị bệnh tuyến trùng gây hại mạnh và có xu hướng lây lan trên diện rộng, chủ yếu tại Đạ Tẻh, Đạ Huoai, Lâm Hà, Cát Tiên. Vậy đâu là nguyên nhân và giải pháp phòng trừ hiệu quả
Bệnh tuyến trùng gây hại dâu tằm xuất hiện tại Lâm Đồng từ cuối năm 2019 tại Đạ Huoai với diện tích gây hại chỉ khoảng 12ha. Nhưng những năm 2020 -2021, bệnh đã lan rộng và gây hại 425ha tại Đạ Huoai, Đạ Tẻh trong đó có gần 90 ha bị nhiễm nặng. Đặc biệt, từ đầu năm đến nay diện tích dâu tằm nhiễm tuyến trùng tiếp tục tăng lên 700ha, chiếm khoàng 7% tổng diện tích dâu tằm toàn tỉnh, trong đó gần 130ha bị nhiễm nặng. Điều này gây nên những thiệt hại trong sản xuất và gây lo lắng cho nhiều nông hộ tại các địa phương.
Trước diễn biến gây hại của bệnh tuyến trùng trên cây dâu tằm, Chi cục Trồng trọt & BVTV phối hợp với các huyện Đạ Huoai, Đạ Tẻh triển khai các khảo nghiệm, đánh giá hiệu quả của một số loại thuốc bảo vệ thực vật để hướng dẫn các biện pháp phòng trừ bệnh tuyến trùng hại dâu tằm. Đơn vị phối hợp với các địa phương tổ chức 6 lớp tập huấn hướng dẫn biện pháp phòng trừ tuyến trùng hại dâu tằm cho 309 nông dân. Tuy nhiên, qua khảo sát hầu hết nông dân tham gia tập huấn chưa áp dụng các biện pháp phòng trừ do sợ ảnh hưởng đến tằm. Chi cục, TTNN huyện Đạ Tẻh cũng triển khai các mô hình tại xã Triệu Hải và Đạ Pal để đánh giá hiệu lực phòng trừ tuyến trùng của một số loại thuốc BVTV kết hợp với các biện pháp bổ sung phân hữu cơ vi sinh, Trichoderma, kết quả biện pháp phòng trừ chỉ có hiệu quả đối với các diện tích nhiễm nhẹ - trung bình, còn lại các diện tích nhiễm nặng, phần lớn rễ đã bị hư hại cây dâu không có khả năng phục hồi buộc phải nhổ bỏ luân canh sang cây khác. Gia đình ông Lê Văn Sở ở thôn 1 xã Triệu Hải huyện Đạ Tẻh là một trong các nông hộ tham gia mô hình và đã nhận thấy hiệu quả trong công tác phòng trừ bệnh tuyến trùng và cây dâu đã phục hồi, phát triển trở lại.
Bệnh tuyến trùng hại dâu tằm là đối tượng dịch hại mới, hiện chưa có các nghiên cứu trong nước về đặc điểm gây hại, điều kiện phát sinh phát triển cũng như các biện pháp pháp phòng trừ triệt để. Trong lúc đó hầu hết diện tích dâu Lâm Đồng đều trồng lâu năm, ít luân canh. Vì vậy, ngành nông nghiệp Lâm Đồng khuyến cáo nông dân áp dụng các biện pháp tổng hợp phòng trừ dịch bệnh, trong đó cần sử dụng cây giống sạch bệnh. Cần có thời gian luân canh ít nhất 1 năm đối với các vườn nhiễm nặng. Tạo hệ thống mương rãnh thoát nước vườn dâu, tránh để nước chảy tràn từ vườn này qua vườn khác làm lây lan nguồn bệnh; phải vệ sinh đồng ruộng, đào, thu gom và nhặt sạch toàn bộ rễ cây nhiễm bệnh để tiêu hủy. Tăng cường bón phân hữu cơ, kết hợp các chế phẩm nấm đối kháng có tác dụng hạn chế tuyến trùng.
Hiện nay, giá kén tằm đang ở mức cao, là nguồn thu nhập chính của nông dân nhiều địa phương tại Lâm Đồng. Trong lúc đó, đây đang là cao điểm mùa mưa, dễ gây ra tình trạng ngập úng cũng là điều kiện để bệnh tuyến trùng bùng phát. Thực trạng bệnh tuyến trùng hại dâu tằm sẽ gây ra những trở ngại không nhỏ trong quá trình phát triển nghề dâu tằm địa phương. Vì vậy ngoài tập trung các biện pháp phòng ngừa hiệu quả, nông dân cần tuân thủ các biện pháp khuyến cáo của ngành chức năng nhằm phòng trừ dịch hiệu quả và phát huy thế mạnh loại cây trồng thế mạnh này.
Mai An